Sự khác nhau giữa Sử thi và truyền thuyết.

tải xuống 14

Theo giới nghiên cứu thì trên thế giới có ba loại sử thi: sử thi dân gian, sử thi do người có tài năng dựa vào di sản dân gian mà sáng tạo nên tác phẩm và sử thi do các nhà văn sáng tác. Căn cứ vào sử thi Tây Nguyên, trước hết là sử thi Ê Đê, Mơ Nông, chúng tôi cho rằng sử thi dân gian là loại sử thi do các nhóm người tài giỏi trong cộng đồng am hiểu các tri thức về xã hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán, địa lý, động thực vật và mượn lời nói vần dân tộc để sáng tạo nên tác phẩm.

            Sử thi được sáng tạo trên cái nền văn hóa truyền thống dân tộc, như sử thi Kalêvala[i] của Phần Lan, sử thi Iliát – Ôđixê[ii] của Hy Lạp, Mahabharata – Ramayana[iii] của Ấn Độ. Sử thi do các nhà văn sáng tác theo “phong cách sử thi” như Ênâyđa của Virgie (nhà thơ La Mã cổ đại), Gerusalemme giải phóng của Torquato Tasso (nhà thơ Ý), Thần khúc của Dante (thi hào người Ý),v.v… Sử thi các dân tộc thiểu số ở nước ta như Đẻ đất đẻ nước của người MườngDăm San của người Ê Đê, Đẻ Tiăng (hay Bông, Rong và Tiăng) của người Mơ Nông… thuộc phạm trù sử thi cổ sơ. Còn Iliát – Ôđixê của Hy Lạp, Mahabharata và Ramayana của Ấn Độc thuộc phạm trù sử thi cổ đại (còn gọi là sử thi cổ điển). Sử thi cổ sơ và sử thi cổ đại khác nhau về cơ sở xã hội đã sản sinh ra chúng, khác nhau ở một số khía cạnh của hệ thống thi pháp, nhất là nhiều vấn đề thuộc về nội dung tác phẩm.

Các nhà nghiên cứu còn chia sử thi ra làm nhiều loại: sử thi thần thoại (có người gọi là sử thi sáng thế), sử thi anh hùng và sử thi thiên di. Sử thi thần thoại (hay sử thi sáng thế) nói về sự hình thành vạn vật, con người, xã hội, văn hóa, những hoạt động của con người và thần linh. Các nhân vật là con người trong sử thi thần thoại vừa mang tính người vừa mang tính thần. Sử thi anh hùng là sử thi tập trung nói về các nhân vật anh hùng, hành động của họ có ảnh hưởng to lớn đến sự yên ổn của gia đình, dòng họ, cộng đồng, quốc gia. Sử thi thiên di nói về các cuộc hành trình trường kì gian khổ của cộng đồng người trong lịch sử. Ở đó hình tượng nhân vật trung tâm là các anh hùng dân tộc, thủ lĩnh bộ lạc.

Ở Việt Nam chỉ có sử thi thần thoại[iv] và sử thi anh hùng.

Về tiểu loại sử thi Tây Nguyên, chúng tôi dùng thuật ngữ sử thi thần thoại, chứ không dùng thuật ngữ sử thi sáng thế. Bởi vì, “sự sáng thế” ở đây không phải là nội dung chính của sử thi, nội dung chính của sử thi là những truyện kể về hành động của các anh hùng và của các vị thần. Đó là công việc sản xuất, sinh hoạt văn hóa, chiến tranh chiếm đoạt, v.v… Còn  về phương thức thể hiện, sử thi thần thoại ở Tây Nguyên (tiêu biểu là sử thi Mơ Nông)  phản ánh thực tại chủ yếu qua lăng kính của tư duy thần thoại. Khi dùng thuật ngữ sử thi thần thoại, chúng tôi thấy có phần khiên cưỡng, bởi vì sử thi anh hùng cũng mang hơi thở thần thoại. Tuy nhiên, chất thần thoại trong sử thi thần thoại và sử thi anh hùng ở hai cấp độ rất khác nhau.

Về phương diện thể loại, sử thi thần thoại Mơ Nông (và sử thi cùng loại ở Tây Nguyên) có các đặc điểm sau:

1.      Những cấm kỵ khi diễn xướng

Tokarep cho rằng tính chất nghi lễ của thần thoại đã phân biệt nó với truyện cổ tích. Điều này không chỉ đúng với nơ ơn (tên truyện cổ của người Mơ Nông) mà còn đúng với sử thi ot ndrong của tộc người này. Ot Ndrong thấm đậm tính chất nghi lễ, còn nơ ơn thì trần tục hơn.

Nghệ nhân Mơ Nông kiêng diễn xướng ndrong tại nhà mình. Nếu trong nhà nghệ nhân có người chết thì ba năm sau mới được hát kể (tất nhiên cũng không được hát kể tại nhà mình). Trong làng có người chết thì không ai được hát kể. Nếu muốn phải ra khỏi phạm vi bon làng. Khi ot ndrong qua đêm, sáng mai chủ nhà phải có lễ cúng các thần cư ngụ xung quanh nhà để báo rằng mình đã nhờ người hát kể ndrong cho cộng đồng nghe.

Khi nghệ nhân muốn diễn xướng tại nhà mình thì phải giết một con gà để làm cúng thần. Theo người Mơ Nông, nếu không làm cúng mà cứ hát kể, người trong gia đình nghệ nhân sẽ bị ốm đau, bệnh tật. Đó là tính thiêng của ot ndrong trong đời sống cộng đồng. Rất có thể trước đây nó đã được coi trọng như những báu vật của thị tộc, bộ lạc.

2.      Lịch sử hóa hiện thực qua con đường thần thoại

Ở “xứ Bu Prâng” – cái nôi của sử thi Mơ Nông – nhiều sự vật được thần thoại hóa. Đó là nàng Kông (chị Lêng) gội đầu bằng nước cơm rồi đem đổ vào núi thành nguồn nước mạch chảy quanh năm; hòn đá có hình quả lục lạc là chiếc lục lạc đeo cổ con trâu của Ndu (em con dì của nhân vật Tiăng); hòn đá có hình chiếc lược là lược là lược chải đầu của bà Bung “thời ndrong”,v.v…

Các mẩu truyền thuyết huyền thoại kể trên được các thế hệ truyền cho nhau nghe. Qua con mắt của chúng ta, sự nhận thức thế giới khách quan của họ là thiên về thêu dệt, hoang đường. Nhưng với họ nhiều hiện tượng trong thế giới được sự hình thành và cụ thể hóa bằng các vật hữu hình là những cái có thật[v].

Người Mơ Nông cho rằng ot ndrong là “lịch sử” của tộc người họ lúc mới sinh thành. Lâu nay, nhận thức của cộng đồng về giống nòi, tổ tiên đều được quy chiếu từ ot ndrong. Sử thi ot ndrong thỏa mãn nhận thức của cộng đồng về nguồn gốc vũ trụ, con người, vạn vật và những hoạt động mang tính thần thoại của con người thời viễn cổ.

Khi diễn xướng ndrong, nghệ nhân mong muốn một cách chân thành rằng người nghe sẽ nắm được “thời ndrong” – thời khởi nguyên của tộc người họ.

Vũ trụ được nói tới trong sử thi Mơ Nông mang tín hỗn mang. Việc vi phạm điều cấm kỵ nào đó, nhất là loạn luân, trời đất sẽ đảo lộn, xoay chiều. Bông và Rong, hai anh em ruột quan hệ tính giao với nhau, khiến thần Ndri, Ndre “cựa mình”, làm mưa gió, sấm sét kéo về bon làng Bông, Rong. Thần Bôn, Băn mang mây đến che. Vũ trụ trở nên hỗn độn: trời đất, mặt trăng, mặt trời sà sát vào nhau, đá từ trên trời đổ xuống mặt đất. Sự loạn luân đã phải trả giá như vậy. Nhân vật Tiăng – chủ mưu dùng bùa ngãi gây ra vụ loạn luân này – phải “đem ba con heo, ba con dê, một cái cào” làm cúng trời đất mới trở lại bình thường. E.M. Mêlêtinxky trong tác phẩm Thi pháp của huyền thoại viết rằng “Tư tưởng cơ bản của huyền thoại là biến sự hỗn mang thành vũ trụ, vả lại ngay từ đầu vũ trụ đã bao hàm các khía cạnh đạo đức và giá trị”[vi].

3.      Sự xuất hiện thần kỳ của nhân vật. Nhân vật khai thiên lập địa, nhân vật anh hùng văn hóa và nhân vật anh hùng chiến trận

“Loài người” trong ot ndrong được sinh ra từ sự tác động của các hiện tượng tự nhiên “Hòn đá đẻ ra một trăm con người / Dòng thác sinh ra một nghìn con người”. Nhiều nhân vật chính lại thêm một lần (có khi nhiều lần) “thoát thai” thần kỳ để trở thành nhân vật tài giỏi, dũng cảm: Tiăng (cùng con sâu khổng lồ tên là Dăm Nhông) được sinh ra từ quả trứng khổng lồ; Lêng vốn là con Lửa, Yơng vốn là Pruh (cây chuối rừng),v.v… Sau đó các nhân vật này mới đầu thai qua con người để trở thành nhân vật là con người, nhưng mang khả năng của thần linh. Như vậy, nhiều nhân vật chính trong ot ndrong có nguồn gốc trong tự nhiên, được thần hóa, nhân hóa để trở thành nhân vật trung tâm của sử thi. Điều đó rất ít thấy trong khan sử thi của người Ê-đê.

Bông và Rong là hai nhân vật tạo nên đồi núi, sông súi, cây cỏ, chim muông trên mặt đất. Hai nhân vật này được coi là người có công khai thiên lập địa vùng người Mơ Nông sinh sống ở đông nam Tây Nguyên. Nhân vật khai thiên lập địa có khả năng sáng tạo thế giới một cách kỳ diệu. Các nhân vật này được người Mơ Nông qua các thế hệ coi là các bậc tiên tổ của mình.

Tiăng là người có công lao to lớn trong việc truyền dạy tri thức tự nhiên (sản xuất nương rẫy) và xã hội (thành ngữ, gia phả, luật tục) cho cộng đồng. Tiăng còn là người thực hiện nghi lễ, tham gia vào việc diệt trừ quái vật hãm hại cuộc sống của con người. Nhân vật Tiăng không có được khả năng sáng tạo siêu nhiên như nhân vật Bông, Rong. Hành động của nhân vật này vẫn được tiến hành theo cách thức ma thuật, biến hóa nhưng vẻ thần thoại đã giảm đi ít nhiều.

Về trang sức, vũ khí, diện mạo của nhân vật anh hùng chiến trận trong sử thi Mơ Nông được miêu tả muôn màu muôn vẻ, chứ không chỉ có khiên đao, áo dài khuya, mặt đỏ hồng như trong khan sử thi Ê Đê. Khả năng, sức mạnh của nhân vật trong ot ndrong là siêu phàm, vạn năng. Đó là sức mạnh quăng quật của bão tố, là sự biến hóa khôn lường.

Các nhân vật chính là con người trong ot ndrong được thể hiện qua màn sương huyền thoại. Sức mạnh của người anh hùng bên cạnh sức mạnh thể chất có thể sánh ngang với thần linnh, họ còn có sức mạnh biến hóa khôn lường. Trong đó các nhân vật chính đánh nhau bằng trận nước lụt, bằng lửa cháy rừng, bằng cơn gió xoáy. Con người hóa thành trâu bò húc nhau, thành con chim bay trên trời, con cá bơi dưới nước. Những đoàn quân “mặc áo lông chim” bay đi đánh nhau che kín cả ánh sáng mặt trời.

4.      Thần linh

Thế giới thần linh trong sử thi Mơ Nông hoạt động ngấm ngầm mà ồn ào, sôi động. Thường thì mỗi nhân vật chính trong ot ndrong có một vị thần phù hộ. Tất cả các vị thần đều không có quyền uy tuyệt đối, đều không ngự ở một chốn thiêng nào cả[vii], các vị thần luôn luôn tham gia vào các công việc của con người như hình với bóng.

Hình dáng thần linh không kết tinh sắc đẹp thể chất của con người. Có vị thần “ba chân, ba tay”, có vị thần “sáu chân, ba tay”, có vị thần “mười chân, chín tay”. Đặc biệt là, cuộc sống giữa người trần gian với các vị thần không có “phân biệt” gì. Tất cả xen cài vào nhau như trong một vũ trụ đang còn ở tình trạng hỗn mang vậy. Điều đó chứng tỏ rằng quan niệm nguyên thủy sơ khai còn tồn tại một cách vững chắc và chi phối một cách mạnh mẽ nghệ nhân khi họ sáng tạo ot ndrong.

Thần linh trong sử thi Mơ Nông thật sự là “bộ máy hô hấp” góp phần quan trọng tạo nên cái hơi thở phập phồng của cuộc sống sử thi. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để phân biệt sử thi thần thoại với sử thi anh hùng. Khi có dịp chúng tôi sẽ bàn vấn đề này kỹ hơn.

5.      Cấu tạo đề tài và không gian sử thi

Sử thi Mơ Nông đề cập đến hầu hết các mặt trong đời sống và tinh thần của người Mơ Nông. Ndrong là sự tổ hợp các câu chuyện khác nhau theo kiểu liên hoàn. Các câu chuyện ndrong có phần riêng biệt, đồng thời cũng được xây dựng thành các nội dung mang tính hệ thống.

Nội dung truyện thần thoại đóng một vai trò to lớn trong việc cấu thành ndrong. Chúng ta thấy các trận hồng thủy, sập đất, quái vật, nguồn gốc và sự sinh nở thần kỳ trong các truyện thần thoại cổ đều có mặt trong ndrong. Ở đó tồn tại phổ biến cái ly kỳ, huyền hoặc, sự ồn ào, sôi động của rừng cây, sông suối. Ở đây có một điểm đáng lưu ý nữa là sự hình thành đất nước, con người trong sử thi Mơ Nông không phải chỉ đóng vai trò mở đầu câu chuyện, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, mà chúng còn là những bộ phận quan trọng, cấu thành nên tác phẩm.

Trong sử thi Mơ Nông, ngoài cái không gian cụ thể là không gian địa lý, xã hội và văn hóa, còn có một không gian tưởng tượng được mở rộng đến vô cùng. Đó là không gian của các tầng vũ trụ. Không gian đó được hình thành trên cơ sở của kinh nghiệm sống, của nhận thức trực quan về thực tại, đồng thời cũng được hình thành từ cảm quan thần thoại.

Không gian trong sử thi Mơ Nông bao gồm không gian của con người và không gian của thần linh. Hai không gian này vừa tách biệt vừa lẫn vào nhau, tạo nên bức tranh nửa thực nửa hư.

6.      Thời gian huyền thoại

Trước khi hát kể ndrong, nghệ nhân thường nói mấy câu dẫn truyện như “từ khi mới có trời, có đất, mới có cây cỏ mọc trên mặt đất, đó là “thời Bông, Rong””… Thời gian được nói trong ot ndrong là thời gian của sự sáng tạo đầu tiên: cây cối đầu tiên, con vật đầu tiên, ngôi nhà đầu tiên,v.v… Như đã nói, các chi tiết về sự hình thành đất nước, con người trong ot ndrong không phải chỉ đóng vai trò mở đầu câu chuyện, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian, mà còn là “quá khứ tuyệt đối” (chữ dùng của Gớt) của tộc người họ.

Trong sử thi Mơ Nông có hai thời gian ước lệ: thời gian “hiện tại” của nhân vật và thời gian “quá khứ” do hồi tưởng của nhân vật. Quá khứ là “cội nguồn của mọi thực thể trong hiện tại” (E.M. Mêlêtinxky). Khi các nhân vật trong gia tộc mẹ Rong gặp nhau, họ thường nhắc tới thời Tiăng con Rong sinh ra: lúc trời, đất bằng hai ngón tay Tiăng đã có rồi. Đó là dấu ấn của “quá khứ”, đồng thời cũng là “cội nguồn” của “hiện tại”.

7.      Cấu tạo cốt truyện

Cốt truyện sử thi Mơ Nông có hai cấp độ: 1) Đó là sự chắp đoạn: chắp đoạn các hành động của nhân vật, chắp đoạn các khúc đoạn trong khúc truyện đơn. 2) Các cốt truyện đơn tuy có tính độc lập tương đối, nhưng ít nhiều đều có mối liên hệ với nhau tạo thành hệ thống sử thi liên hoàn. Trong khi đó, kết cấu cốt truyện sử thi Ê Đê chặt chẽ và hoàn chỉnh hơn. Trong các cốt truyện thì sử thi Ê Đê, mỗi sự kiện, mỗi hành động được thể hiện khá hoàn chỉnh trong một phần nào đó của tác phẩm. Nhân vật được đặt vào những hoàn cảnh khác nhau, theo đó là các hành động tương ứng của nhân vật, các biến cố diễn ra và dẫn đến kết thúc cốt truyện một cách khá trọn vẹn. Riêng tác phẩm Khing Du, mỗi phần của truyện kể như là một cốt truyện riêng, song chúng có mối liên hệ mật thiết với nhau, khó có thể tách rời nhau được.

8.      Kỳ vĩ hóa, nhân hóa tự nhiên

Chúng ta biết rằng cơ sở vật chất – xã hội của tư duy thần thoại là xã hội thị tộc với trình độ và nền tảng thấp kém của nó. Người ta nhận thức hiện thực không phải bằng khái niệm khoa học, mà bằng cảm tính, bằng những “ảo tưởng thần thoại” (Ăngghen). Bên cạnh việc nhận thức hiện thực bằng kinh nghiệm, nó ít nhiều mang tính đúng đắn, người ta còn thêm thắt, chế biến hiện thực đi một cách tự giác, làm cho hiện thực được phản ánh bị xáo trộn, gãy khúc, méo mó đi. Khi sáng tạoot ndrong, nghệ nhân Mơ Nông bị chi phối rất mạnh bởi tư duy này. Vì thế khi nghe các câu chuyện ndrong, chúng ta thấy cuộc sống trong đó có phần rất xa cuộc sống thật. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều đó là do phong cách kỳ vĩ hóa đối tượng của sử thi[viii]. Chẳng hạn nhân vật khai thiên lập địa có khả năng tạo ra sông núi một cách kỳ diệu: Một nắm đất Rong đắp núi Nâm Brah… Bông kéo cây mây hóa thành khe suối, kéo cây ndrong hóa thành con sông… Nhân vật anh hùng chiến trận, về hình dáng có cái đường bệ của tự nhiên, về sức mạnh có cái quăng quật, dữ dội của bão tố.

Người Mơ Nông có một trí tưởng tượng phong phú, tài tình. Những vật vô tri vô giác qua trí tưởng tượng của họ nên sống động lạ thường. Do vậy, bên cạnh hoạt động của thế giới động vật, chúng ta còn nghe âm vang tiếng va chạm của rừng cây, sông suối, tiếng ồn ào, sôi động của các loài muông thú, các lực lượng siêu nhiên được nhân hóa.

Trong khi xây dựng hình tượng các nhân vật chính, nghệ nhân sử thi Mơ Nông đã bị những tư duy thần thoại chi phối mạnh mẽ, cho nên tính chân thực của hình tượng bị giảm đi rất nhiều.

9.      Dạng phức hợp của thi pháp

Dạng phức hợp của thi pháp trong sử thi Ê Đê chủ yếu được xây dựng trên bình diện văn học nghệ thuật (ngôn ngữ trần thuật khách qan của văn xuôi, ngôn ngữ mang tính nhạc của thơ và ngôn ngữ mang tính hành động của kịch). Còn dạng phức hợp trong sử thi Mơ Nông vượt ra ngoài bình diện văn học nghệ thuật để kết hợp với các bình diện khác như tôn giáo nguyên thủy (dưới dạng ma thuật), triết học suy nguyên (hình thành vũ trụ, con người).

Theo chúng tôi sử thi thần thoại là sử thi phản ánh thiên về hư ảo những hoạt động của xã hội thị tộc, bộ lạc. Nó là kết quả của sự kết hợp và nâng cao những truyện thần thoại lại với nhau. Những truyện thần thoại đó được bổ sung thêm nhiều câu dân ca nghi lễ – phong tục, sinh hoạt, các câu tục ngữ về những hiện tượng tự nhiên và xã hội. Sử thi ot ndrongcủa người Mơ Nông là sự tổng hòa một cách nguyên hợp các thủ pháp nghệ thuật của văn học nghệ thuật dân gian với các hình thức khác của ý thức xã hội như triết học suy nguyên, tôn giáo nguyên thủy dưới dạng ma thuật.

Qua các vấn đề trình bày ở trên về sử thi Mơ Nông, có thể đưa ra năm tiêu chí sau để nhận dạng sử thi thần thoại, đó là:

a.      Khi diễn xướng có những cấm kỵ nhất định.

b.      Vũ trụ được nói tới trong sử thi mang tính hỗn mang. Ở đó có không gian thực tại và không gian tưởng tượng nhiều khi trộn lẫn vào nhau. Còn thời gian được quan niệm bắt đầu từ sự sáng tạo đầu tiên.

c.      Kỳ vĩ hóa, nhân hóa đối tượng là phương thức thể hiện phổ biến. Nhân vật thần linh và con người có mối liên hệ và tác động tương hỗ. Nhân vật trung tâm của sử thi có sức mạnh siêu phàm, hành động mang tính ma thuật.

d.      Cấu tạo cốt truyện theo kiểu liên hoàn. Hệ thống thi pháp theo dạng phức hợp văn học dân gian với các hình thái ý thức xã hội khác như tôn giáo bản địa, triết học suy nguyên.

e.      Hiện thực lịch sử được phản ánh thông qua màn sương của tư duy thần thoại

 

Để lại một bình luận