CHÓ BIỂN, SƯ TỬ BIỂN, VOI BIỂN, NGỰA BIỂN, BÁO BIỂN

15826294 10209765414385121 1525448101026483101 n
Những loài thuộc họ Phocidae (tiếng Pháp: Phocidés) được gọi là earless seal do chúng không có vành tai, còn gọi là hair seal (do có lông mao thô ráp trên da) hoặc true seal (seal “đích thực”). Chúng chính là hải cẩu (chó biển). Tên gọi của chúng trong tiếng Pháp là phoque và tiếng Nga là настоящий тюлень (настоящий nghĩa là “đích thực”, tương tự như true seal trong tiếng Anh). Nếu gọi tên theo họ thì chúng được gọi là phocid seal hoặc phocid, tiếng Pháp là phocidé. Trung Quốc gọi là hải báo (海豹).
Hải cẩu
Trong họ này lại có chi /giống Mirounga mà tiếng Anh là elephant seal hoặc sea elephant, tiếng Pháp là éléphant de mer, tiếng Nga là морской слон và tiếng Hán là tượng hải báo (象海豹). Tiếng Việt dĩ nhiên gọi chúng là voi biển hay hải tượng.
Voi biển
Một chi /giống khác trong họ chỉ có 1 loài duy nhất (có tên khoa học là Hydrurga leptonyx) được gọi là báo biển. Các ngôn ngữ châu Âu cũng gọi tương tự: tiếng Anh là leopard seal hay sea leopard, tiếng Pháp là léopard de mer, tiếng Nga là морской леопард và tiếng Hán là báo hải báo.
Báo biển (Hydrurga leptonyx)
– Những loài thuộc họ Otariidae (tiếng Pháp: Otariidés) được gọi là eared seal (do chúng có vành tai ngoài rõ rệt) hay otary, hoặc gọi theo họ thì là otariid seal hay otariid. Tiếng Pháp gọi chúng là otarie, còn tiếng Nga là ушастый тюлень (ушастый nghĩa là “có tai”, tương tự như eared seal trong tiếng Anh). Chúng là sư tử biển (theo nghĩa rộng) trong tiếng Việt và thuộc họ Sư tử biển. Trung Quốc gọi là hải sư (海獅).
Trong họ này lại phân ra 2 nhóm hay phân họ. Nhóm 1 là sư tử biển đích thực (hay theo nghĩa hẹp): sea lion trong tiếng Anh, lion de mer hay otarie à fourrure trong tiếng Pháp và морской лев trong tiếng Nga, hải sư trong tiếng Hán, thuộc phân họ Sư tử biển Otariinae.
Sư tử biển
Nhóm 2 là fur seal trong tiếng Anh, otarie à jarre trong tiếng Pháp và морской котик trong tiếng Nga, hải cẩu trong tiếng Hán, thuộc phân họ Arctocephalinae. Nhóm này thường được dịch là hải cẩu lông, nhưng bất cập là hair seal cũng nghĩa là hải cẩu lông, nên có khi được dịch là gấu biển, theo chiết tự tên gọi La-tinh của chi /giống điển hình Arctocephalus nghĩa là “[có] đầu [giống] gấu”, mà tên phân họ Arctocephalinae cũng bắt nguồn từ chữ này. Như vậy có thể gọi phân họ này là phân họ Gấu biển.
Gấu biển
Thế còn hải mã là con nào? Hải mã hay ngựa biển chính là loài duy nhất hiện nay còn tồn tại trong họ Odobenidae (họ Hải mã), tên khoa học là Odobenus rosmarus. Nó được gọi là walrus trong tiếng Anh. Tiếng Pháp gọi nó là morse, do đó nó còn có tên phiên âm là con moóc. Tiếng Nga cũng tương tự tiếng Pháp với tên gọi là морж. Điều rắc rối là trong tiếng Hán, nó có tên là hải tượng (海象). Do đó, một số trang mạng hoặc sách dịch gọi nó là hải tượng (voi biển), trong khi voi biển được dùng để gọi 2 loài thuộc chi /giống Mirounga trong họ Hải cẩu.
Hải mã
Cả 3 họ Hải cẩu, Sư tử biển và Hải mã hợp thành phân bộ Chân màng /vây /vịt (Pinnipedia), bộ Ăn thịt (Carnivora), lớp Thú (Mammalia).
Ở Việt Nam thường có loài hải cẩu đốm (Phoca largha) thuộc họ Hải cẩu.
Từ điển bách khoa Việt Nam chỉ có 1 mục từ về chó biển tức hải cẩu, không có mục từ nào về sư tử biển, báo biển, voi biển, ngựa biển và xếp chúng vào bộ Chân vịt.
chó biển (Phocidae; tk. hải cẩu), họ thú biển, bộ Chân vịt (Pinnipedia), không có khe tai, cả hai cặp chân biến thành vây chèo. Chân sau hướng về phía sau để di chuyển trong nước, khi ở trên đất liền không chống đỡ nổi trọng lượng cơ thể. Gồm 12 chi với 19 loài. Phân bố rộng, đặc biệt tập trung thành đàn lớn trong vùng cận cực. Đa số các loài đều có bãi cư trú trên băng hoặc đảo trong mùa sinh sản và thay lông. Đối tượng khai thác có giá trị, lấy thịt và da lông.

 

Trả lời