Đối với công chúng Hàn Quốc, thần tượng và nghệ sĩ là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt, và thậm chí là không cùng đẳng cấp!
Bất cứ fan trung thành nào của Kpop đều sẽ biết, thần tượng và nghệ sĩ (ca sĩ) luôn là hai khái niệm khác nhau theo cách đánh giá của công chúng Hàn Quốc. Không phải tự nhiên mà dẫu cùng là những người biểu diễn trên sân khấu âm nhạc, nhưng idol luôn bị đánh giá thấp hơn rất nhiều so với những ca sĩ, nghệ sĩ thực thụ. Bằng chứng là khi xuất hiện trong những chương trình như “Show Me The Money”, “Unpretty Rapstar”,…, nhiều gương mặt thần tượng dù nổi tiếng đến đâu cũng phải hứng chịu những ánh mắt soi mói, thậm chí là xem thường!
Theo tiêu chuẩn đánh giá của công chúng Hàn Quốc, thần tượng được xếp vào hàng thấp nhất trong danh sách những nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật. Trong con mắt của người Hàn, diễn viên là ngành nghề được coi trọng nhất (trong nghệ thuật), sau đó đến những ca sĩ thực thụ, rồi lần lượt đến MC, diễn viên hài, và cuối cùng mới đến thần tượng. Đó cũng là lý do vì sao mỗi khi đứng cạnh diễn viên nữ nào, những idol “vạn người mê” như Yoona (SNSD) hay Suzy (Miss A) cũng luôn bị đánh giá là kém sắc hơn hẳn.
Yoona dù được xem là “nữ thần” Kpop nhưng vẫn bị chê kém sắc so với 2 nữ diễn viên cùng thuộc SM là Lee Yeon Hee và Go Ara
Trước hết, phải khẳng định một điều, dù là thần tượng hay nghệ sĩ, thì những tên tuổi đang hoạt động trong làng nhạc Hàn đều ít nhiều sở hữu tài năng riêng. Không thể phủ nhận ngoại hình là yếu tố quan trọng với các idol (nhất là trong một xã hội trọng hình thức như Hàn Quốc), nhưng để được chính thức ra mắt, các thần tượng cũng phải trải qua quãng thời gian thực tập đầy khắc nghiệt, và bất kỳ ai không đủ tiềm năng đều sẽ bị công ty quản lý loại bỏ. Sau khi debut, họ lại phải hoạt động không ngừng nghỉ ở mọi lĩnh vực, từ ca hát, nhảy múa, đến chụp ảnh thời trang, tham gia chương trình tạp kĩ, lấn sân điện ảnh,… Vậy thì lý do gì khiến các idol luôn bị xem là không cùng đẳng cấp với giới nghệ sĩ?
Thực tế, đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra về việc, liệu idol có thể “lột xác” trở thành nghệ sĩ hay không. Câu trả lời là có, nhưng chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn, bởi những tiêu chí đánh giá hai đối tượng này ngay từ đầu đã vô cùng khắt khe!
Khả năng sáng tác
Một trong những cách phổ biến nhất để phân biệt thần tượng và nghệ sĩ là khả năng sáng tác được công chúng công nhận. Phần lớn các nghệ sĩ đều có thể soạn nhạc, viết lời, sản xuất các sản phẩm âm nhạc, cũng như tự quyết định mình sẽ hát ca khúc nào. Trong khi đó, thần tượng lại không hoặc rất hiếm khi sáng tác, và thường chỉ trình diễn cũng như quảng bá các ca khúc được công ty giao cho.
Bên cạnh đó, giới ca sĩ, nghệ sĩ Hàn Quốc thường là những tên tuổi solo đình đám, trái ngược với idol luôn debut theo nhóm nhạc. Thế nên, để đánh giá một thần tượng nào đó có thể phát triển lên hàng nghệ sĩ hay không, công chúng cũng thường xem xét sự nghiệp solo của idol đó.
Jaejoong, Junsu (JYJ), G-Dragon (Big Bang) là những tên tuổi hiếm hoi được kỳ vọng sẽ vươn tới tầm nghệ sĩ trong tương lai không xa. Trường hợp của SHINee, dù có tới hai thành viên từng tách nhóm “đá lẻ” là Jonghyun và Taemin, nhưng nếu Jonghyun được xem xét ở mức độ có thể phấn đấu để trở thành nghệ sĩ, thì Taemin vẫn chỉ được xem là thần tượng bởi anh chàng chưa để lại dấu ấn qua những ca khúc tự sáng tác.
G-Dragon và Junsu là 2 trong số vài cái tên hiếm hoi được cho là khá gần với tiêu chuẩn nghệ sĩ
Ngược lại, rất nhiều trường hợp thần tượng có thử sức viết nhạc, nhưng vẫn không được xem là nghệ sĩ, bởi những sản phẩm của họ chỉ được đánh giá là sáng tác… cho vui, và họ cũng không đủ khả năng để tự thể hiện, quảng vá và phổ biến các sáng tác của mình.
Giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc
Đây có thể xem là yếu tố then chốt quyết định một thần tượng có phải ca sĩ thực thụ hay không. Nhiều ca sĩ solo có thể ít sáng tác cho riêng mình, nhưng quan trọng là họ phải sở hữu chất giọng và khả năng ca hát vượt trội. Những cái tên như Sohyang, Im Chang Jung, Baek Ji Young, Park Hyo Shin, Wheesung,…, ai lại không đồng ý xếp họ vào hàng ca sĩ, nghệ sĩ thực lực?
Ngược lại, vì phần lớn các idol đều hoạt động trong nhóm nhạc, nên dĩ nhiên không phải tất cả họ đều phải sở hữu giọng hát “khủng, trừ những giọng ca chính. Thậm chí, ngay đến main vocal của nhiều nhóm cũng không tránh khỏi việc bị chỉ trích hát thều thào, live không vững,… Đó có thể xem là sự khác biệt cơ bản giữa ca sĩ và thần tượng!
Tất nhiên, trong giới thần tượng, vẫn có nhiều cái tên được đánh giá cao về giọng hát và kỹ thuật thanh nhạc. Những cái tên như Taeyeon (SNSD), Hyorin (Sistar), Kyuhyun (Super Junior),… luôn nằm trong top những giọng ca hàng đầu của giới idol. Chất giọng và kỹ thuật của họ có thể còn nhiều thiếu sót nếu so với những ca sĩ hàng đầu, tuy nhiên rõ ràng họ vẫn vượt trội hơn hẳn những tiêu chí thông thường của thần tượng.
Giọng hát của Taeyeon và Hyorin giúp họ được kỳ vọng đến gần với danh hiệu ca sĩ
Hình ảnh hướng đến công chúng
Thần tượng, đúng với ý nghĩa tên gọi, là một hình mẫu phản ánh những điều hoàn hảo nhất, tốt đẹp nhất mà khán giả muốn được nhìn thấy. Chính vì thế, trong suốt sự nghiệp của mình, thần tượng luôn phải giữ được hình ảnh lung linh, tránh xa mọi scandal và bê bối.
Cũng vì lẽ này mà tầm quan trọng của công ty quản lý đối với thần tượng là rất lớn. Tất cả các thần tượng thường phải chịu sự quản lý nghiêm ngặt của công ty chủ quản ngay từ khi còn là thực tập sinh. Họ không được sử dụng điện thoại, bị cấm hẹn hò, phải sống đúng với hình tượng mà công ty xây dựng cho, dù con người thật của họ có trái ngược với hình tượng ấy như thế nào.
Khi công ty quản lý đề ra kế hoạch A thì dù thần tượng có hứng thú với kế hoạch B đến đâu, họ cũng khó mà thực hiện được. Đó chính là lý do nhiều người thường gọi thần tượng là nghề nghiệp “bán hình ảnh”, bởi công chúng muốn gì, họ sẽ phải xuôi theo hướng đó. Họ không được làm những điều mình mong muốn, phải sống cuộc đời mà công ty và công chúng áp đặt.
Một ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này chính là chuyện hẹn hò của thần tượng và nghệ sĩ. Với công việc mang tính chất “bán hình ảnh”, dĩ nhiên chuyện hẹn hò của giới idol cũng sẽ được dư luận chú ý và soi mói kĩ hơn. Những cặp đôi như Baekhyun – Taeyeon, Seolhyun – Zico, Nichkhun – Tiffany,… một thời luôn bị dư luận “ném đá” và soi xét từng chút một. Trong khi đó, khi giới ca sĩ công khai tình yêu, điển hình như Gummy – Jo Jung Suk, Baek Ji Young – Jung Suk Won,…, công chúng Hàn chỉ chúc phúc và không có bất kỳ động thái soi mói nào.
Cách phát hành và quảng bá sản phẩm
Như đã nói ở trên, vì hình ảnh khác biệt đối với công chúng, nên cách idol và nghệ sĩ quảng bá sản phẩm cũng khác nhau. Mỗi khi một nhóm nhạc thần tượng comeback với sản phẩm mới, họ trở nên vô cùng bận rộn với lịch trình từ rất nhiều công việc khác nhau. Họ phải quảng bá liên tục hàng tuần trên các show âm nhạc, tham gia các chương trình tạp kỹ, “lấn sân” đóng phim,…. Hơn thế, gần như tất cả các bài hát của họ đều đi kèm với vũ đạo, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả hơn. Mọi hoạt động này chỉ nhằm một mục đích, giúp ca khúc và tên tuổi nhóm đến gần với công chún.
Ca sĩ, nghệ sĩ lại hoàn toàn khác biệt. Tất cả những gì họ làm, chỉ là tung ra một sản phẩm mới. Vài người có thể tham gia show âm nhạc, nhưng cũng chỉ trong vài ngày ngắn ngủi. Trên sân khấu, họ chỉ đứng yên và hát, ít khi cần đến sự trợ giúp của vũ đạo. Các nghệ sĩ cũng rất ít khi tham gia show tạp kỹ, có chăng chỉ là những chương trình liên quan trực tiếp đến âm nhạc như “Immortal Songs”, “Yoo Heeyeol’s Sketchbook” hay “I Am A Singer”.
Trở lại sau một thời gian dài, Park Hyo Shin chỉ xuất hiện trên “Yoo Heeyeol’s Sketchbook” để quảng bá ca khúc mới
Nói một cách đơn giản nhất, thì thần tượng phải làm mọi cách để đưa âm nhạc của mình đến gần với công chúng. Còn ngược lại, nghệ sĩ chỉ việc ngồi yên và khán giả sẽ tự tìm đến với sản phẩm của họ.
Những tranh cãi xung quanh tiêu chí tuổi tác và thâm niên
Nhiều người hâm mộ cho rằng, những idol hoạt động lâu năm đều xứng đáng được xem là nghệ sĩ. Song đây vẫn chỉ là ý kiến chủ quan của một bộ phận fan, bởi tuổi nghề không thể quyết định được danh xưng idol hay nghệ sĩ, tất cả còn phụ thuộc vào con đường mà họ lựa chọn.
Lấy ví dụ về 2 nhóm nhạc lão làng ra mắt gần như cùng thời điểm để thấy được sự thiếu sót trong tiêu chí này! Với gần 19 năm hoạt động, Shinhwa – nhóm nhạc thần tượng lâu đời nhất Kpop, luôn được xem là hình mẫu lý tưởng, huyền thoại của mọi idolgroup tại Hàn Quốc. Dẫu vậy, họ vẫn chỉ được xem là những thần tượng lâu năm. Lý do là bởi Shinhwa hiện vẫn hoạt động theo con đường của các idol – quảng bá và tranh cúp trên các show âm nhạc, tham gia show tạp kỹ, đầu tư về vũ đạo, cũng như các thành viên chưa có hoạt động solo âm nhạc xứng tầm nghệ sĩ.
Những màn trình diễn của Shinhwa vẫn được xây dựng theo xu hướng thần tượng
Ra mắt sau Shinhwa 1 năm, cùng xuất phát điểm từ SM Entertainment, song Fly To The Sky lại được đông đảo khán giả xếp vào hàng nghệ sĩ. Dù thời gian đầu hoạt động, nhóm cũng quảng bá những ca khúc kèm vũ đạo, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ lại chọn con đường tập trung hoàn toàn vào giọng hát. Theo đuổi dòng nhạc R&B, cả hai thành viên đều sở hữu giọng hát vượt trội và sự nghiệp solo vững chắc. Đặc biệt, Hwanhee còn được xem là một trong những giọng nam xuất sắc nhất của làng nhạc Hàn, được mệnh danh là “Hoàng tử R&B”. Fly To The Sky cũng ít tham gia chương trình tạp kỹ. Những lý do này giúp nhóm dễ dàng chạm tay đến danh hiệu nghệ sĩ hơn.
Trong khi Fly To The Sky lại đi theo chiều hướng nghệ sĩ hơn
Kết
Dù là thần tượng hay nghệ sĩ, tất cả những ai hoạt động tại làng nhạc Hàn Quốc đầy khắc nghiệt đều đã và đang dốc hết sức mình để cống hiến cho khán giả những ca khúc hay, những màn trình diễn ấn tượng. Chính vì thế, sự phân biệt giữa thần tượng và nghệ sĩ với nhiều người có thể khá quan trọng, song với người khác nó cũng chỉ là một ranh giới mong manh.
Thần tượng hay nghệ sĩ, cái họ cần đều là tình cảm yêu mến, sự tôn trọng và ủng hộ từ khán giả dành cho những gì mà họ đang làm, dù ở bất cứ cương vị nào.