Phân biệt tội khủng bố với tội giết người

tu van phap luat 26

Tội khủng bố là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe tự do thân thể của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội, hoặc công dân, nhằm chống chính quyền nhân dân. Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật.

Điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội khủng bố như sau:“1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này”.
Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định về Tội giết người như sau: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình…2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm”.
1. Khái niệm
– Tội khủng bố là hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe tự do thân thể của nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội, hoặc công dân, nhằm chống chính quyền nhân dân.
– Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật.
2. So sánh
a. Về khách thể
-Tội khủng bố: tội khủng bố xâm phạm an ninh quốc gia.
-Tội giết người: tội giết người xâm phạm quyền về nhân thân (quyền sống).
b. Về mặt khách quan
– Tội khủng bố có hai hậu quả
+ Hậu quả trực tiếp là thiệt hại tính mạng của nhân viên Nhà nước.
+ Hậu quả gián tiếp là làm cho chính quyền suy yếu.
– Tội giết người: hậu quả của tội giết người là làm cho nạn nhân chết.
c. Về chủ thể
– Tội khủng bố: chủ thể của tội phạm này là những người từ đủ 16 tuổi trở lên.
– Tội giết người: chủ thể của tội phạm này là người từ đủ 14 tuổi trở lên.
d. Về mặt chủ quan
– Tội khủng bố: kẻ phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp.
– Tội giết người: kẻ phạm tội có thể có lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp.
e. Về mục đích
– Tội khủng bố: mục đích của kẻ phạm tội là nhằm chống chính quyền nhân dân.
– Tội giết người: chủ yếu vì mục đích cá nhân, không nhằm chống chính quyền nhân dân.

 

Để lại một bình luận