Contents
1. Cơ sở pháp lý
– Luật Thương mại 2005.
2. Sự khác biệt giữa Quảng cáo thương mại và khuyến mại
Quảng cáo thương mại và Khuyến mại đều là những hành vi xúc tiến thương mại được thương nhân thực hiện trong quá trình hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường lượng khách hàng mua sắm hàng hóa hay sử dụng dịch vụ của mình. Thương nhân có thể tự mình thực hiện hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ thực hiện. Trong đó:
– “Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân để giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình” (Điều 102 Luật Thương mại 2005);
– “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định” (Khoản 1 Điều 88 Luật Thương mại 2005).
Điểm khác biệt giữa hai hành vi này chủ yếu là ở cách thức xúc tiến thương mại:
Đối với hành vi quảng cáo thương mại, cách thức xúc tiến thương mại được thương nhân sử dụng là thông qua việc sử dụng những sản phẩm quảng cáo và phương tiện quảng cáo để truyền tải, giới thiệu đến công chúng một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó. Qua sản phẩm và phương tiện quảng cáo này, khách hàng sẽ có những nhận thức nhất định về hàng hóa, dịch vụ của thương nhân thực hiện quảng cáo, thương nhân cũng thu hút được sự chú ý của khách hàng đối với hàng hóa, dịch vụ của mình, qua đó, tăng cường cơ hội mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Còn đối với hành vi khuyến mại, cách thức xúc tiến thương mại được thương nhân sử dụng là thông qua “những lợi ích nhất định”. Lợi ích ở đây có thể là lợi ích vật chất, có thể là lợi ích tinh thần, tùy thuộc vào mục tiêu, vào kinh phí,… của từng đợt khuyến mại. Nhờ vào những lợi ích này mà thương nhân tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng, khiến họ mạnh dạn hơn trong hành vi mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ của thương nhân thực hiện quảng cáo.
Ngoài ra, hai hành vi này còn khác nhau ở mục đích trực tiếp. Mục đích trực tiếp của hành vi quảng cáo thương mại là “giới thiệu với khách hàng về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình”; còn mục đích trực tiếp của hành vi khuyến mại là “xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ”.