Trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng thì lễ hội luôn thu hút được lượng người đông đảo nhất, có không khí náo nhiệt nhất và hàm chứa sắc thái đa dạng, phong phú, sâu sắc đậm đà chất nhân văn – “vui như hội”, “đông như trảy hội”.
Ở nước ta, từ xưa lễ hội đã thường diễn ra ở nhiều nơi, từ đồng bằng trung du đến nơi núi rừng hay vùng biển đảo xa xôi. Lễ hội đã đi vào tâm thức muôn dân, thành những dấu ấn, thành những giai thoại hay huyền thoại lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bởi mỗi lễ hội có nội dung, nghi thức khác nhau hoặc biểu hiện khá sâu đậm về sắc thái tập tục, trình độ, vốn sống của mỗi cộng đồng, dân tộc theo quy mô tương ứng mà nó diễn ra. Các lễ hội đều khởi nguồn từ sự tích (có thực hoặc huyền thoại), phản ánh dấu tích và nhằm tái hiện sự tích, dấu tích để cộng đồng xã hội hiện sinh hoài niệm, ghi nhớ, tri ân đấng bậc linh thiêng: thánh thần siêu nhiên như thiên, địa, lôi, phong, vũ… (trời, đất, sấm, gió, mưa) hoặc nhân thần (người có công đức được tôn thờ làm thánh là “linh hồn” (chủ) của sự tích.
Với những lễ hội thuần tuý tôn giáo của Thiên chúa giáo, đạo Hồi, đạo Ấn… hoặc mang tính sắc tộc như lễ hội hoá trang, lễ hội Amadam, lễ hội tình yêu… thì có thể cùng thời điểm diễn ra quy mô lớn ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Lễ hội truyền thống dân gian của cư dân nông nghiệp Việt nam, hầu hết có quy mô nhỏ, với hàng vạn lễ hội ở cộng đồng làng – xã hoặc vùng tại nơi diễn ra sự tích, nơi để lại dấu tích. Phổ biến nhất là các lễ hội nghề: rèn, đúc, mộc, gốm, đan, tằm tơ, canh nông, chài lưới, sơn trang…; với các lễ hội vào mùa, tha năm – tha mây (Khơ me Nam Bộ), lễ hội chọi trâu (Hải Phòng), đâm trâu (Tây Nguyên), đua voi (Đắc Lắc), đua bò (An Giang), lễ hội cá voi (“ông Nam Hải” Bình Thuận); và sầm uất, quy mô hơn cả là lễ hội công trạng, chiến tích của các danh thần, danh tướng như: lễ hội Đinh Lê (Ninh Bình), Lam Sơn (Thanh Hoá), Tây Sơn (Bình Định), bà chúa Sứ núi Sam (An Giang), chùa Keo (Thái Bình), Phủ Dầy (Nam Định)… Lễ hội Đền Hùng – giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội đền Trần, Kiếp Bạc có quy mô cả nước. Mỗi lễ hội có biểu tượng riêng và sự khác biệt giữa mỗi lễ hội được thể hiện ở từng nghi tiết cuộc lễ, nghi trượng, nghi vật, nghi trình, nghi phục. Mở đầu từng lễ hội bao giờ cũng là nghi thức tế lễ thánh thần rất trang nghiêm, thành kính.
Thực hiện nghi thức tế lễ có chủ tế là người cao niên – già làng – trưởng bản – trưởng tộc, có uy danh, tài, đức; có người xướng lễ (dẫn nội dung); đội hành lễ gồm những nam thanh nữ tú được tuyển lựa và một vài người phụ lễ. Ở những lễ hội có điều kiện và mang tính trọng thể còn tiến hành tế nam quan, nữ quan; diễn tích trò tái hiện sự tích, mô phỏng huyền thoại. Đồng thời có rước kiệu bài vị (Vong thần chủ), rước đồ tế khí; bát biểu, bát xà mâu tạo nên nghi thức lễ hội thêm trang nghiêm, linh thiêng và thực sự hấp dẫn.
Lễ vật thường là những vật phẩm: nông, lâm, hải sản có tại địa phương, trừ những thứ kiêng kỵ quy định trong từng loại lễ hội. Trang phục (nghi phục) hành lễ thường mô phỏng, tái hiện sự tích nên có kiểu dáng, màu sắc, hoạ tiết hoa văn khác nhau. Khấn lễ là lời thành kính nói lên công đức của thánh thần thiêng liêng đã tạo nên sự tích, để lại công đức cho hậu sinh và cầu mong (phát tấu, phối thỉnh) sự may mắn, thuận hoà, bình an, thịnh đạt…
Trình tự, nội dung tế lễ (nghi trình) tuy gắn với sự tích, nhưng cũng lệ thuộc vào tập tục địa phương và khả năng hành lễ. Chính những sự khác biệt ấy đã tạo nên sắc thái và sự sinh động của lễ hội.
Người đến lễ hội với đủ lứa tuổi, giới tính: trai, gái, trẻ, già (nam phụ lão ấu); không phân biệt sắc tộc, đẳng cấp, giàu nghèo, danh vị. Đến với lễ hội ai nấy đều thể hiện tâm thế thư thái, khoan hoà; tâm thức thành kính, chân, thiện, mỹ; luôn ước nguyện được đón nhận sự đổi mới tốt lành. Trang phục của người đi lễ hội phải tươm tất chỉnh trang đẹp hơn ngày thường: nam giới thì áo the khăn xếp, nữ giới thì áo dài, khăn the, khăn nhiễu, màu sắc trang nhã, dáng vẻ thanh lịch. Nơi lễ hội lớn, đông tới hàng vạn người đi như dòng chảy, tuy chen chúc nhưng vẫn trật tự, ít khi xô đẩy hoặc xảy ra những hành vi xấu; bởi đến lễ hội người ta đều hướng tới niềm tin, phúc đức, tránh cái ác, cái xúi quẩy.
Đồng thời với sự tế lễ tại nơi thờ tự (đình, đền, miếu, phủ), các trò chơi dân gian cũng diễn ra ngay tại lễ hội; phổ thông nhất là các trò: chọi gà, chọi chim, đấu cờ, đua bơi, đua thuyền, ném còn, bắn cung, đánh vật hoặc múa trống, đánh cồng chiêng, thổi khèn, hát then, hát lượn, hát dân ca… Hay nhất, hấp dẫn nhất là diễn các tích, trò truyền thống của cộng đồng, làm cho sự hội tụ thêm đông vui, náo nhiệt. Tại nhiều lễ hội còn có bán hàng hoá, đồ dùng, nông cụ và đồ ăn, thức uống đủ loại, có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người. Theo sở thích tâm lý thì người lớn đến lễ hội trước hết là đi lễ cầu may; trẻ nhỏ theo đi để biết cái mới, xem cái lạ theo sự hiếu kỳ. Nam nữ thanh niên đến lễ hội để đua tài, ướm sắc và không ít sự tình tự nên duyên. Cảnh người, cảnh vật với không khí sôi động, náo nhiệt; màu sắc rực rỡ, tươi tắn; âm thanh ầm ào, rộn rã và mùi hương hoa ngan ngát dễ đưa người dự hội vào cảm giác lâng lâng, thân thiện, dịu lắng ưu tư, mặc cảm; đến với niềm hoan lạc cùng cộng đồng, thoát khỏi sự trần tục hoá về ý tưởng.
Lễ hội phạm vị nhỏ hẹp thường diễn ra trong một ngày, lớn và rộng hơn thì kéo dài dăm bảy ngày. Kết thúc lễ hội có nơi cử hành tạ lễ; khi hạ lễ có thể chia phần cho các thành viên (chủ yếu quy mô làng – xã, dòng tộc) hoặc ăn uống tập thể cộng đồng. Tuy chỉ xuyềnh xoàng, ít ỏi lễ vật, không thịnh soạn như cố giỗ (ở tư gia, từ đường chi họ) hoặc tiệc tùng khao vọng, nhưng được ăn cỗ, nhận phần ở lễ hội lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và để lại những dấu ấn tốt đẹp khó phai mờ.
Những năm gần đây, cùng với sự “bùng phát” về tín ngưỡng dân gian, có nơi lễ hội đã một thời gian dài mai một, nhạt nhoà; nay được phục dựng, mở rộng quy mô, thay đổi nghi thức, lồng ghép nội dung… có khi làm biến dạng ý nghĩa, bản sắc của lễ hội truyền thống. Phần nhiều lễ hội truyền thống lại được cấp chính quyền sở tại đứng ra tổ chức và đều tiến hành theo kịch bản (mô típ) như nhau: có phần lễ, phần hội tách biệt. Phần lễ thì nặng nghi thức hành chính. Phần hội thì xen ghép cả loại hình nghệ thuật, trò chơi hiện đại: ca nhạc, thi đấu thể thao, diễn xướng thoát ly tích, trò mang sắc thái bản địa gốc; có nhiều tình tiết không khác gì lễ hội văn hoá – du lịch, lễ hội mừng công đương đại. Lễ phục ở lễ hội các vùng, miền cũng na ná như nhau cả về kiểu dáng, màu sắc, tuy là hoài cổ. Lễ vật thì quá đa dạng, tạp thực mà không chay tịnh. Đồ hàng mã hiến tế quá thừa phứa, kệch cỡm. Dù rằng nhờ yếu tố kinh tế phát triển, hàng hoá, bánh trái công nghệ nhiều thì cũng không nên hành xử đơn giản có gì dùng nấy, có sao dùng vậy sẽ làm lu mờ bản sắc và sự nghiêm cẩn của lễ hội.
Một phần do điều kiện, thời gian lao động được cải thiện đỡ bận rộn, vất vả hơn trước; phần khác do kinh tế phát triển khá và giao thông vận tải thuận tiện nên lượng người và xe cộ đến lễ hội ngày càng đông. Nhất là lễ hội đầu xuân ở chùa Hương, chùa Yên Tử, hội Khai ấn đền Trần, hội đền Bà chúa kho… mật độ người, xe dẫn đến một không gian không thể len ép nổi, tạo nên sự chen lấn, xô đẩy, đã gây ra không ít hậu quả thương tâm về sức khoẻ và tính mạng người dân. Mặt khác cũng do sự đồn thổi dư luận đến mức xuyên tạc, làm méo mó bản chất sự tích để linh thiêng hoá lễ nghi, lễ phẩm (giấy sớ, thẻ bói, ấn miếu thờ…) nhằm “buôn thần bán thánh” thu lợi nhuận, đã làm cho một số người cuồng tín đua nhau đi lễ hội mong “cầu danh, cầu lộc, cầu tài, cầu tự” tạo nên sự thái quá cực đoan, gây lộn xộn cho lễ hội và lãng phí tiền bạc của nhân dân.
Điều đáng lưu ý khác là không ít lễ hội ngày càng nghiêng về lợi ích kinh doanh thu lợi từ việc bán vé vào cửa này, nơi kia, đến việc mở nhiều dịch vụ giá cả tuỳ tiện thiếu chuẩn mực hoặc lạm dụng đặt hòm “công đức” quá nhiều… Điều có thể “mục sở thị” gần đây nhất là Lễ hội Khai ấn ở Đền Trần ở TP. Nam Định (vào đêm 14 tháng Giêng, âm lịch). Trong khu vực Di tích Đền Trần, Chùa Tháp còn chật hẹp, hàng vạn người chen lấn, xô đẩy trong đêm để được vào nơi hành lễ. Lối cửa ngõ phía Tây do chấp hành tốt quy định nên chỉ lấy 10.000đ/xe ôtô vào lễ hội. Còn lối cửa ngõ phía Đông thì tuỳ tiện lấy 100.000đ tới 200.000đ/xe ôtô vào khu vực lễ hội, gây sự phàn nàn, bất bình cho khách hành hương. “Ấn” in trên vải mua trong đền quy định là 30.000đ/Ấn, nhưng phần lớn người có nhu cầu phải mua qua trung gian từ 100.000đ đến 200.000đ/Ấn… Hiện tượng trên không những ảnh hưởng tới chốn tâm linh mà còn gây mất an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Những hiện tượng này cần sớm được chấn chỉnh để bớt dần sự mặc cảm trong nhân dân và giữ được sắc thái tốt đẹp của lễ hội đã được người xưa xây đắp, bồi tụ, tồn tại tiếp nối cho đến các thế hệ mai sau./.