Văn minh & Văn hoá là 2 khái niệm cực kỳ thú vị, tuy khác biệt nhưng có chung chữ “Văn”- sự biểu đạt và khả năng diễn đạt của con người (cá nhân, tổ chức, cộng đồng, quốc gia, nhân loại). Chúng ta quan sát văn minh thông qua sự biểu đạt bên ngoài và cảm nhận văn hoá thông qua khả năng diễn đạt bên trong.
Nếu ví von với cấu trúc con người, văn minh ví như thể xác, văn hoá ví như tâm hồn, điểm chung là trí tuệ. Muốn sống khoẻ thì hồn và xác không tách rời, sống tử tế cần có trí tuệ. Biểu hiện đầu tiên của văn minh là sạch sẽ, sau đó là ngăn nắp, tiện lợi, thích ứng… Biểu hiện đầu tiên của văn hoá là lối ứng xử sau đó là tinh thần, tư tưởng, đạo đức…
Văn minh đánh giá trình độ phát triển của con người trong thời điểm hoặc thời kỳ lịch sử. Nền văn minh được hình thành và chết đi theo thời gian. Văn hoá luôn có tính kế thừa lịch sử, có biến đổi, có dị biệt, có đồng hoá…Nền văn hoá tập hợp các giá trị vật chất, tinh thần mà vẫn còn ý nghĩa đối với sự phát triển tâm hồn, tình cảm, nhân cách và lối sống của con người.
Có muôn vàn các ví dụ về mâu thuẫn và thống nhất giữa khía cạnh văn hoá và văn minh trong quá trình xây dựng, cải tạo, bảo tồn và phát triển công trình phục vụ quốc kế, dân sinh… Hãy hành xử có văn hoá ngay trong quá trình bảo tồn văn hoá. Nếu không nhận thức, thay đổi kịp thời và có khoa học…sẽ bị tụt hậu về văn minh.