Sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào?

tải xuống 7 1

Contents

1. Nguyên nhân gây bệnh

1.1 Sốt phát ban

Đa phần nguyên nhân khiến trẻ bị sốt phát ban là do nhiễm virus thông thường, chiếm khoảng 70 – 80% các trường hợp. Hầu hết trong số đó là nhóm virus đường hô hấp, chẳng hạn như virus Rubella. Sốt phát ban là căn bệnh khá lành tính và không nguy hiểm.

1.2. Bệnh sởi

Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi virus thuộc giống Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Loại virus này có tính lây lan cao nên dễ truyền từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp trực tiếp, cụ thể là tia nước bọt bệnh nhân thải ra khi ho hoặc hắt hơi. Bệnh rất dễ tạo thành dịch, đặc biệt là ở những nơi tập trung nhiều trẻ em. Mặc dù sốt phát ban sởi ban đầu khá lành tính, tuy nhiên nếu tiến triển đến giai đoạn biến chứng nghiêm trọng thì có nguy cơ đe dọa tính mạng.

2. Triệu chứng của bệnh

2.1. Điểm chung giữa sởi và sốt phát ban

Theo các bác sĩ, hai căn bệnh sốt phát ban và sởi đều giống nhau ở thời điểm ủ bệnh. Biểu hiện chung thường thấy ở giai đoạn này là:

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 – 39 độ C;
  • Xuất hiện cảm giác mệt mỏi, lừ đừ;
  • Đau đầu, nhức mỏi các cơ bắp;
  • Chán ăn, bỏ bú;
  • Một số bệnh nhi có thể bị nôn ói hoặc tiêu chảy.

2.2. Sốt phát ban

Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bước vào giai đoạn phát ban kéo dài từ từ 1 – 5 ngày. Trả lời cho câu hỏi phân biệt sốt phát ban như thế nào, các bác sĩ cho rằng đặc điểm điển hình của sốt phát ban thông thường là:

  • Nốt ban đỏ và sáng;
  • Ban mịn, ít sần sùi trên mặt da;
  • Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể;
  • Sau khi lặn thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

2.2. Bệnh sởi

Vậy sốt phát ban khác sởi như thế nào? Bệnh sởi diễn tiến qua 4 giai đoạn cụ thể, bao gồm ủ bệnh, khởi phát, phát ban sởi và phục hồi. Trong đó, sốt phát ban sởi có những dấu hiệu đặc trưng như sau:

  • Ban xuất hiện theo trình tự: Bắt đầu ở sau tai, sau đó lan đến mặt, dần xuống ngực, bụng và nổi kín khắp toàn thân;
  • Ban dạng sẩn, gồ lên mặt da;
  • Đôi khi gây ngứa, khó chịu cho người bệnh;
  • Khi lặn sẽ để lại những vết thâm, hay còn gọi là “vằn da hổ”.

Đặc biệt hơn, bệnh nhi bị nhiễm sốt phát ban sởi thường có một trong 3 triệu chứng phân biệt đi kèm là: Chảy nước mũi; Ho; Mắt đỏ.

Sốt phát ban dạng sởi ở trẻ em
Sốt là dấu hiệu chung của sốt phát ban và sởi

3. Biến chứng của sốt phát ban và sởi

3.1. Sốt phát ban

Biến chứng của sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào? Bởi vì sốt phát ban gây ra bởi nhóm siêu vi thông thường cho nên hầu hết bệnh đều lành tính. Đối với trẻ bị sốt phát ban, bệnh sẽ tự khỏi sau 5 – 7 ngày nếu bệnh nhi được:

  • Chăm sóc y tế đúng cách;
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý;
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể.

Sốt phát ban cũng không để lại bất kỳ biến chứng nguy hiểm nào cho trẻ.

3.2. Bệnh sởi

Trẻ em là đối tượng bị nhiễm bệnh sốt phát ban sởi phổ biến nhất. Căn bệnh này được cho là nguy hiểm bởi nguy cơ xuất hiện bội nhiễm và để lại những biến chứng nặng nề như:

  • Tiêu chảy;
  • Suy dinh dưỡng
  • Viêm tai giữa;
  • Viêm loét miệng
  • Viêm loét giác mạc;
  • Viêm phổi và phế quản;
  • Viêm thanh quản và khí quản;
  • Viêm não;
  • Đôi khi dẫn đến tử vong.

Trong khi các biến chứng của bệnh sởi là do virus sởi gây ra, thì hầu hết những trường hợp tử vong đều bắt nguồn từ diễn tiến nghiêm trọng và khôn lường của bội nhiễm sởi.

4. Chăm sóc trẻ bị bệnh sởi

4.1. Chăm sóc tại nhà

Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ, bệnh nhi không cần phải nhập viện, thay vào đó bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh điều trị tại nhà. Cụ thể:

  • Cho trẻ nằm nghỉ ngơi ở phòng cách ly, tránh gió lạnh;
  • Uống thuốc hạ sốt khi sốt cao;
  • Dùng thức ăn mềm để bảo vệ đường tiêu hóa;
  • Thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc trực tiếp;
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cải thiện sức đề kháng;
  • Tăng cường vitamin A nhằm hỗ trợ mắt cho trẻ;
  • Chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt tránh lạm dụng kháng sinh hoặc tin tưởng bài thuốc dân gian;
  • Dọn dẹp phòng bệnh sạch sẽ, thông thoáng, không cần quá kiêng tắm, kiêng gió.

4.2. Theo dõi tại bệnh viện

Trong quá trình chăm sóc tại nhà, phụ huynh cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt và các biểu hiện của trẻ. Cần đưa con đến bệnh viện để được điều trị ngay nếu phát hiện:

  • Sốt cao liên tục;
  • Ho nhiều và khó thở;
  • Tiêu chảy mất nước;
  • Ban sởi bay hết nhưng vẫn sốt;
  • Tai, phổi, tiêu hóa, mắt,… có dấu hiệu biến chứng.

5. Phòng bệnh sởi

Sốt phát ban và sởi khác nhau như thế nào
Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm chủng ngừa vaccine sởi

5.1. Tiêm vaccine sởi

Biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sởi là tiêm chủng ngừa vaccine sởi. Lịch tiêm chủng thông thường như sau:

  • Mũi thứ 1: Khi trẻ đủ 9 tháng tuổi;
  • Mũi thứ 2 nhắc lại: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Cha mẹ cần lưu ý phải tiêm đầy đủ cả hai mũi vaccine thì mới đảm bảo khả năng phòng bệnh 99%. Nếu chỉ tiêm phòng một mũi vaccine duy nhất, khả năng phòng bệnh giảm còn 90% và cơ thể trẻ không thể tạo được miễn dịch bền vững. Đối với những bé đã quá lịch tiêm chủng mà vẫn chưa tiêm đầy đủ, kèm theo đó là chưa nhiễm bệnh sởi, phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để được tư vấn tiêm chủng.

5.2. Tiêm vaccine MMR

Ngoài ra, phụ huynh có thể tham khảo và chọn lựa tiêm chủng cho con vaccine 3 trong 1 MMR – ngừa 3 bệnh sởi, quai bị và rubella. Thời gian tiêm các mũi như sau:

  • Mũi thứ 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi;
  • Mũi thứ 2 nhắc lại: Tiêm trong khoảng từ 4 – 6 tuổi.

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và dự định sinh con cũng nên tiêm vaccine MMR tiền sản để phòng bệnh cho mẹ cũng như thai nhi. Trường hợp này chỉ cần tiêm một liều duy nhất, song phải lưu ý sau khi tiêm vaccine ít nhất 3 tháng mới được có thai.

Nhận biết đúng bệnh sốt phát ban khác sởi như thế nào là cơ sở để chăm sóc bệnh nhi đúng đắn. Nhờ đó, cha mẹ có thể góp phần hạn chế nguy cơ xảy ra các biến chứng nghiêm trọng do sốt phát ban sởi, cũng như bảo vệ con trẻ được khỏe mạnh và mau lành bệnh hơn.

Để lại một bình luận