Từ chương trình học, phương pháp học đến tâm lý của con đều có sự thay đổi lớn khi bước vào lớp 6. Phụ huynh cần nắm được những điểm khác biệt này để cả con và cha mẹ có sự chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2019 – 2020.
Ở bậc Tiểu học, học sinh được tiếp cận với chương trình học cơ bản, phương pháp đánh giá nhẹ nhàng bằng nhận xét, động viên, khuyến khích. Còn bước vào môi trường Trung học, học sinh sẽ đối diện mỗi ngày với điểm số, kiểm tra, thi cử. Việc cha mẹ không hiểu được những thay đổi trong cách học, cách giảng dạy và không có định hướng phù hợp cho con sẽ rất dễ khiến con bị áp lực, sợ học, kết quả học tập sa sút giai đoạn bước vào 6.
Contents
1. Lượng kiến thức lớp 6 rộng và khó hiểu hơn
Lên lớp 6, số lượng môn học sẽ nhiều hơn và xuất hiện các bộ môn hoàn toàn mới lạ. Lượng kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa cũng có độ khó và độ bao phủ rộng đòi hỏi học sinh phải chăm chú nghe giảng trên lớp và chủ động tự ôn tập tại nhà mới có thể học tốt.
Chẳng hạn môn Vật lí 6 – môn học mới với những bài học trừu tượng, nếu học sinh không nghe giảng kỹ và làm nhiều bài tập tự luyện thì rất khó học tốt môn này. Môn Toán với các bài học về tập hợp, lũy thừa,… đầy lạ lẫm. Môn Ngữ văn với phần tiếng Việt, phần đọc – hiểu văn bản, phần tập làm văn. Môn Tiếng Anh không còn là nghe nói vài mẫu câu quen thuộc mà học sinh phải thuộc từ vựng, hiểu ngữ pháp mới có thể làm được bài. Các bộ môn vốn được xem là “môn phụ” như Sinh học, Lịch sử, Địa lí,… cũng trở thành môn học quan trọng và có độ khó nhất định.
2. Thang điểm đánh giá năng lực “gắt gao” hơn
Nếu ở Tiểu học chỉ tập trung cho hai bài kiểm tra trong mỗi học kỳ thì ở Trung học, những bài kiểm tra miệng, 15 phút, một tiết sẽ nối tiếp nhau từ môn này sang môn khác rất dễ làm học sinh đuối sức. Điểm số trong các bài kiểm tra ở cấp hai cũng sẽ không còn dễ dàng đạt giới hạn tuyệt đối như ở Tiểu học. Những điểm 9, điểm 10 sẽ xuất hiện với tần số ít ỏi hơn, ngoại trừ những học sinh thật sự xuất sắc.
Con sẽ cần thời gian để bắt nhịp với chương trình học mới và đầu năm học chính là thời điểm thích hợp để phụ huynh chuẩn bị kiến thức vào 6 cho con. Ở giai đoạn đầu, hãy chấp nhận những “thiếu sót” của con như chữ xấu hơn, làm bài sai nhiều hơn, đôi khi không kịp hoàn thành bài. Chỉ cần có sự đầu tư nghiêm túc và chủ động trong học tập, cùng với sự đồng hành của cha mẹ, con sẽ có thể tự tin bứt phá kết quả trong năm học tới.
3. Phương pháp học rất khác so với bậc Tiểu học
Học sinh lớp 6 sẽ làm quen với thí nghiệm, thực hành nhiều hơn, đòi hỏi khả năng liên hệ thực tiễn đời sống nhiều hơn. Phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng không còn là đọc – chép mà học sinh phải vừa nghe, vừa chắt lọc kiến thức và ghi chép lại. Nếu không có sự chuẩn bị bài thì rất khó để học sinh theo kịp kiến thức trên lớp.
Một thay đổi lớn nữa là lên cấp hai, học sinh sẽ học tập dưới sự hướng dẫn của khoảng 9 giáo viên. Mỗi giáo viên sẽ phụ trách một môn học và ít có thời gian gần gũi, chia sẻ với học sinh như ở Tiểu học. Do đó muốn con học tốt chương trình lớp 6, cha mẹ cần nâng cao tinh thần tự học cho con bằng cách hướng dẫn con soạn trước bài, xem trước kiến thức hoặc tham gia các khóa học trực tuyến để nắm chắc kiến thức cơ bản trước khi lên lớp.
4. Những thay đổi về mặt tâm lý của học sinh
Bên cạnh việc học của con, phụ huynh cần quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý khi con lên lớp 6 vì đây là giai đoạn dậy thì – quyết định rất lớn đến tính cách và nhân cách sau này của con. Lứa tuổi này, các con đang tập khẳng định mình nên sẽ sẽ trở nên cáu kỉnh, khó bảo hơn rất nhiều. Cha mẹ cần quan tâm tới suy nghĩ, chia sẻ những khó khăn trong học tập và những mối quan hệ xung quanh với con, nhất là đừng nên áp đặt chuyện điểm số với con.
Thay vì bắt con đi học thêm quá nhiều, phụ huynh cần rèn luyện tính tự học ở nhà cho con và giúp con nắm chắc kiến thức cơ bản của năm học mới thông qua các khóa học online. Điều này sẽ giúp con vừa có thời gian nghỉ ngơi vừa làm quen được với kiến thức lớp 6 và nâng cao khả năng tự học – thói quen rất cần thiết ở những năm học cấp 2 và sau này.
Cha mẹ hãy nắm rõ những điểm khác biệt giữa hai cấp học để chuẩn bị tâm lý cũng như hành trang kiến thức vào 6 cho con ngay từ đầu năm học. Mặc dù lớp 6 chưa bị “đè nặng” bởi áp lực thi cử như những năm lớp 8, 9 nhưng các con vẫn rất cần sự tư vấn, nhắc nhở, động viên của phụ huynh.