Phân biệt đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, đấu thầu chỉ định

dau thau

Contents

1. Cơ sở pháp lý:

1.Luật đấu thầu 2013;

2. Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu ban hành ngày 26 tháng 06 năm 2014;

3.Nghị định 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư ban hành ngày 17 tháng 03 năm 2015.

2. Luật sư tư vấn:

1. Đấu thầu rộng rãi:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Luật đấu thầu 2013

“1.Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự.

2. Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đâu thầu, trừ trường hợp quy định tại các điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Luật Đấu thầu.”

Đây là hình thức lựa chọn được nhà thầu tốt nhất mang tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, hình thức này cũng mang lại nhiều khó khăn cho bên mời thầu khi phải quản lý số lượng lớn hồ sơ, chi phí cho hoạt động tổ chức đấu thầu cũng kéo theo thời gian thực hiện công tác tổ chức cũng dài. Đồng thời có thể xảy ra trường hợp nhà thầu liên kết với nhau để đẩy giá trúng thầu.

2. Đấu thầu hạn chế:

Theo quy định tại Điều 21 Luật Đấu thầu:

“Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.”

Đấu thầu hạn chế là hình thức chỉ có một số lượng nhà thầu nhất định tham gia dự thầu (ít nhất là ba nhà thầu), được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu

Ưu điểm của hình thức này là bên mời thầu tiết kiệm được thời gian và chi phí. Tuy nhiên, do sự lựa chọn ít nên trong nhiều trường hợp bên mời thầu chưa chắc đã lựa chọn được nhà thầu phù hợp nhất. Hình thức này không tạo ra được môi trường cạnh tranh lớn nhất giữa các nhà thầu, vì thế có thể giảm hiệu quả của hoạt động đấu thầu. Trong trường hợp một số nhà thầu được chọn nhỏ hơn 5 thì bên mời thầu phải thông báo công khai và báo cáo chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét. Danh sách nhà thầu tham dự do chủ đầu tư quyết định trên cơ sở đánh giá của bên mời thầu về năng lực, kinh nghiệm. Điều kiện áp dụng hình thức này chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu gói thầu, do yêu cầu của nguồn vốn sử dụng và do tình hình cụ thể của gói thầu mà việc đấu thầu hạn chế có lợi thế.

Chính vì tính đặc thù và đòi hỏi kĩ thuật cao mà đấu thầu hạn chế chỉ cần lập danh sách ngắn các nhà thầu, nhà đầu tư đáp ứng đủ yêu cầu mà không cần các bước sơ thuyển, thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu mà chỉ gửi thư mời thầu.Danh sách ngắn phải có tối thiểu 3 nhà thầu trở lên, phải được phê duyệt bởi người có thẩm quyền.Cụ thể theo quy định tại khoản 7, điều 4 Luật đấu thầu 2013 và khoản 2,3 Nghị định 64/2014:

Điều 4. Giải thích từ ngữ- Luật đấu thầu 2013

“7. Danh sách ngắn là danh sách nhà thầu, nhà đầu tư trúng sơ tuyển đối với đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển; danh sách nhà thầu được mời tham dự thầu đối với đấu thầu hạn chế; danh sách nhà thầu có hồ sơ quan tâm đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm”

Điều 22. Lựa chọn danh sách ngắn- Nghị định 64/2014

“Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, có thể áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn nhằm lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của gói thầu để mời tham gia đấu thầu. Việc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn do người có thẩm quyền quyết định và phải được ghi rõ trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.”

2. Đối với đấu thầu hạn chế:

a) Xác định, phê duyệt danh sách ngắn: Xác định, phê duyệt danh sách ngắn gồm tối thiểu 03 nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu và có nhu cầu tham dự thầu;

b) Công khai danh sách ngắn: Sau khi phê duyệt, danh sách ngắn phải được đăng tải theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 hoặc Điểm b Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.

3. Các nhà thầu có tên trong danh sách ngắn không được liên danh với nhau để tham dự thầu.”

3. Chỉ định thầu

Theo quy định tại Điều 22, Luật đấu thầu và Chương VI Nghị định 30/2015/NĐ-CP

3.1 Các trường hợp áp dụng chỉ định thầu

Là hình thức lựa chọn trực tiếp nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo và ký kết hợp đồng. Nhà thầu được lựa chọn có những điều kiện nhất định mà những nhà thầu khác không đáp ứng được. Luật đấu thầu quy định rõ các trường hợp được chỉ định thầu:

Chỉ định thầu đối với nhà thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
  • Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;
  • Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;
  • Gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, gói thầu có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầutheo quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ.

Hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Điều 54, Nghị định 63/2014/NĐ- CP

“Gói thầu có giá trị trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu bao gồm: 
1. Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công;
2. Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.”

3.2 Việc thực hiện chỉ định thầu đối phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;
  • Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
  • Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu;
  • Có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay;
  • Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
  • Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

3.3. Chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;
  • Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn;
  • Nhà đầu tư đề xuất dự án đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.

Hình thức đấu thầu này có đặc điểm chỉ áp dụng với những gói thầu đã được liệt kê ở trên. Những gói thầu không thuộc các trường hợp trên thì không thể lựa chọn hình thức lựa chọn nhà thầu này.

Để lại một bình luận