Sự khác nhau giữa “thanh lý hợp đồng – contract liquidation” và “kết thúc hợp đồng – contract termination”

thanh lý hợp đồng

Hiện tại, trong một số hợp đồng kinh tế mà chúng ta phải xử lý, có hợp đồng có điều khoản “thanh lý hợp đồng“, có hợp đồng ghi “kết thúc hợp đồng” và có hợp đồng thì có điều khoản “chấm dứt hợp đồng“. Vậy có sự khác nhau nào giữa “thanh lý hợp đồng” và “kết thúc hợp đồng” hay không? và “thanh lý hợp đồng” là gì?

Khi rà soát lại FIDIC thì không thấy có điều khoản nào quy định về “thanh lý hợp đồng – contract liquidation“. Khi hỏi các chuyên gia nước ngoài (người Mỹ) thì khi hỏi “contract liquidation” có nghĩa là gì thì họ không hiểu. Vậy câu hỏi thứ 3 là “thanh lý hợp đồng” dịch là “contract liquidation” có đúng hay không?

Hiểu theo nghĩa thông thường thì “thanh lý hợp đồng” nghĩa là lập một văn bản đại khái nói rằng hai bên đã hoàn thành công việc theo hợp đồng, không còn ai nợ ai.

“kết thúc hợp đồng” có thể hiểu là hợp đồng đã kết thúc, nếu xét theo nghĩa thông thường thì cũng như thanh lý hợp đồng.

Về ý nghĩa “không thông thường” thì phải các bên tham gia ký kết hợp đồng mới diễn giải được xem mỗi thuật ngữ có nghĩa là gì.

Xem thêm: Hợp đồng và biên bản thỏa thuận.

Contents

Thanh lí hợp đồng kinh tế

Khái niệm

Thanh lí hợp đồng kinh tế trong tiếng Anh dịch tạm là: Contract liquidation.

Thanh lí hợp đồng kinh tế là hành vi của các chủ thể hợp đồng kinh tế nhằm kết thúc một quan hệ hợp đồng kinh tế.

Trường hợp, thời hạn, nội dung thanh lí hợp đồng

Các bên phải cùng nhau tiến hành thanh lí hợp đồng trong các trường hợp – Hợp đồng kinh tế đã thực hiện xong: 

– Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó.

– Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ hoặc huỷ bỏ.

– Hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện khi thay đổi chủ thể mà không có sự chuyển giao thực hiện hợp đồng cho chủ thể mới.

– Chủ thể hợp đồng kinh tế là doanh nghiệp bị giải thể.

Thời hạn qui định để các bên thanh lí hợp đồng là 10 ngày kể từ ngày phát sinh các sự kiện nói trên. Quá thời hạn đó mà hợp đồng không được thanh lí các bên có quyền yêu cầu toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế giải quyết.

Nội dung của việc thanh lí hợp đồng kinh tế gồm các công việc sau:

– Xác minh rõ mức độ thực hiện nội dung công việc đã thoả thuận trong hợp đồng của các bên, từ đó xác định nghĩa vụ của các bên sau khi thanh lí hợp đồng.

– Xác định các khoản thuộc trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lí của các bên trong quan hệ hợp đồng (nếu có) do phải thanh lí trước khi hợp đồng hết hiệu lực.

Tất cả các nội dung đó phải được ghi nhận bằng văn bản và các bên cùng kí vào văn bản đó. Kể từ thời điểm đó quan hệ hợp đồng coi như chấm dứt nhưng riêng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên được xác nhận trong văn bản thanh lí hợp đồng vẫn còn hiệu lực pháp luật cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Giải thích thuật ngữ liên quan:

Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế

– Đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế là sự chấm dứt nửa chừng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên đối với nhau trong hợp đồng đã kí.

– Hợp đồng kinh tế có thể bị đình chỉ khi:

+ Bên bị vi phạm hợp đồng đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng kinh tế nếu thấy việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không có lợi cho mình trong trường hợp một bên vi phạm hợp đồng và đã thừa nhận sự vi phạm đó hoặc đã được cơ quan toà án có thẩm quyền kết luận là có vi phạm;

+ Các bên thoả thuận với nhau bằng văn bản;

+ Hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Một hợp đồng bị coi là vô hiệu toàn bộ thì đương nhiên bị đình chỉ theo kết luận của toà án kinh tế có thẩm quyền hoặc tổ chức trọng tài kinh tế đã được các bên chọn.

(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Luật kinh tế, ThS. Lê Thị Bích Ngọc, Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam)

Trả lời