IQ – thương số thông minh (intelligent quotient) và EQ – thương số cảm xúc (emotional quotient) khác nhau. Người IQ cao thì dễ thành công trong học tập, dễ trở thành nhà bác học, nhà khoa học, ra đời tìm được việc làm tốt, lương cao, đời sống sung túc… Nhưng cũng là người dễ tự mãn, tự cao tự đại, coi thường người khác, nên họ dễ rơi vào cô đơn, gặp thất bại mau nản lòng, buồn chán, dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử ! Còn người EQ cao thì thường ít thành công trong trường học mà lại thành công trong trường đời. Ấy là nhờ họ có khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và quan trọng hơn, thấu cảm được với người, lạc quan, tự tin. Người có EQ cao là người có khả năng lãnh đạo, biết làm việc nhóm, biết tôn trọng và lắng nghe người khác nên dễ thành công, dễ lôi kéo người ta theo mình. Trong nghề nghiệp, họ bền bỉ, dễ thăng tiến. Gia đình dễ có hạnh phúc vì biết san sẻ, tôn trọng nhau và chung thủy.
Người ta thấy gia đình mà gồm hai vợ chồng đều có IQ cao thì dễ xung đột, dễ dẫn đến ly dị vì không ai nhường ai! Người vợ IQ cao thường ngạc nhiên thấy chồng mình bỏ đi, tìm một người… “ngu thế “! EQ cao thì khác. Ngoài khả năng tự nhận thức, kềm chế cảm xúc, còn có tính bền bỉ, kiên trì, khả năng thích ứng với môi trường. Thực ra thì trong mỗi chúng ta đều có cả IQ và EQ, nhiều ít khác nhau. Cả hai đều là những bẩm sinh, có lẽ gắn vào trong gene. EQ cao sẽ giúp cho IQ được bộc lộ và gia tăng. Những người EQ nhiều quá có lẽ như Chu Mạnh Trinh bảo “Ta cũng nòi tình/ thương người đồng điệu” khi một mực bênh vực nàng Kiều. “Nòi tình” cũng khổ chứ không phải lúc nào cũng tốt cả!
GS Đặng Văn Chiếu, một vị thầy đáng kính của nhiều thế hệ y khoa chúng tôi, trong bài “Yếu tố EQ” kể lại một trắc nghiệm tâm lý gọi là “Trắc nghiệm thưởng kẹo” của Walter Mische, Đại học Stanford như sau: ông mời vào phòng làm việc một nhóm trẻ em lên bốn tuổi, tách riêng từng đứa một và nói rằng : đây là miếng kẹo, cháu có quyền ăn ngay bây giờ, nhưng thầy cần đi công việc, nếu cháu không ăn ngay, đợi đến khi thầy trở lại thì sẽ được hai miếng kẹo. Kết quả : 1/3 nhóm trẻ ăn ngay tức khắc; 1/3 kiềm chế không được, cũng ăn trước khi thầy trở lại (khoảng 15 phút); 1/3 còn lại kiên nhẫn đợi đến khi thầy về và được thưởng hai miếng kẹo. Tóm lại, có 2/3 số trẻ không kềm chế được “cảm xúc”. Thú vị là các nhà nghiên cứu đã tiếp tục theo dõi 10 năm liền: những em có khả năng kiềm chế được cảm xúc, đình hoãn hưởng thụ thì học giỏi hơn, điểm thi cao hơn, tìm mau giải pháp cho vấn đề, giao tiếp khéo hơn, có khả năng soạn thảo kế hoạch, đạt được mục tiêu. Nhóm trẻ bốc đồng (không kiềm chế được cảm xúc) thì học kém, cứng đầu, khó dạy, dễ tức giận… (Não Bộ, YTế Distributors Inc, 1999, tr. 223-235).
Tóm lại, EQ có đặc điểm tự giác cao, quản lý cảm xúc tốt, có khả năng thấu cảm, khéo giao thiệp, công bằng, có nguyên động lực tự nội tâm, không do khen thưởng, tiền bạc từ bên ngoài, luôn bền chí và cố gắng. EQ dễ dẫn đến thành công. Sự thành công nào cũng thường là do kết quả của 20% IQ và 80% EQ ! Giáo dục, rèn luyện EQ là giáo dục cảm xúc, phải từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội (đặc biệt lãnh vực truyền thông có trách nhiệm lớn). Ngoài những lời giáo huấn, cần có những tấm gương để noi theo, bởi đây không phải là dạy kiến thức, kỹ năng mà là dạy thái độ, giá trị sống. Dạy EQ không chỉ dạy trong lớp học mà cả trong giờ chơi, giờ ăn, giờ thể dục, những chương trình công tác xã hội, hòa giải xung đột, giúp trẻ biết tự trọng, tự tin, biết thương người… Ông bà, cha mẹ trong gia đình chính là nguồn quan trọng nhất trong việc hình thành EQ cho trẻ. EQ sẽ mất nếu không được nuôi dưỡng, nhắc nhở và khuyến khích thường xuyên! Cha mẹ thường chỉ chú ý điểm học tập của con ở lớp, không quan tâm cảm xúc của trẻ để uốn nắn kịp thời, nhiều khi chiều chuộng quá mức hoặc ngược lại đều mang lại kết quả không như mong muốn.