Phân biệt Khoa học và Công nghệ

7394015HistSciTechHome

HVQY: cụm từ khoa học và công nghệ được định nghĩa trong Luật khoa học và công nghệ Việt Nam; được phân tích và so sánh rất kỹ trong các bài giảng, giáo trình, tài liệu chuyên ngành quản lý khoa học và công nghệ; được chúng ta sử dụng hàng ngày, tưởng chừng quen thuộc đến mức ai cũng đều biết rõ và nhất trí về nghĩa của chúng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải ai cũng hiểu đúng và có thể so sánh phân biệt được giữa khoa học và công nghệ.

Hình mang tính minh họa

Khoa học

Từ “Khoa học” bắt nguồn từ tiếng Pháp cổ có nguồn gốc Latin là “Scientia” có nghĩa là “Sự hiểu biết”, mà trong đó gốc của từ “Scio” có nghĩa là “Tôi hiểu”. Trong các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý thì từ tương ứng với từ khoa học cũng mang ý nghĩa này. Cho đến nay, khoa học thường được hiểu là “Hệ thống tri thức về quy luật của vật chất; sự vận động của vật chất; những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy”. Hệ thống tri thức ở đây là hệ thống tri thức khoa học, xem khoa học như một sản phẩm trí tuệ được tích lũy từ hoạt động tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo. Ở đây cũng cần phân biệt giữa tri thức khoa học với tri thức kinh nghiệm, hai loại tri thức này có điểm chung là dựa trên sự tồn tại khách quan và hướng tới nhận thức chân lý khách quan nhưng giữa chúng có sự khác biệt căn bản: tri thức kinh nghiệm là những hiểu biết được tích lũy trong đời sống hàng ngày thông qua quá trình con người tác động, cải tạo thế giới khách quan và chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ cuộc sống mà chưa đi sâu vào tìm hiểu bản chất của sự vật, hiện tượng. Còn tri thức khoa học là những hiểu biết được tích lũy một cách có hệ thống, có mục tiêu và được tiến hành dựa trên các phương pháp khoa học. Tri thức khoa học phát triển từ tri thức kinh nghiệm nhưng không phải sự kế tục đơn giản, mà là sự tổng kết những sự kiện ngẫu nhiên, rời rạc để khái quát hóa thành cơ sở lý thuyết về mối liên hệ hoặc bản chất; là những kết luận về quy luật tất yếu đã được khảo nghiệm, kiểm chứng dựa trên các luận cứ lý thuyết, quan sát hoặc thực nghiệm. Tri thức khoa học không chỉ dừng ở việc phát hiện ra các sự vật hiện tượng, mà còn giải thích bằng các giả thuyết, cơ sở lý thuyết đã có hoặc đề ra cơ sở lý thuyết mới.

Ví dụ: Tri thức kinh nghiệm: vào mùa hè, cảm thấy oi bức, theo kinh nghiệm dự đoán trời sẽ sắp mưa. Tri thức khoa học: mưa rào xảy ra khi nhiệt độ mặt đất cao và không khí có độ ẩm cao, khi không khí nóng lại ẩm khiến cho nước không bốc hơi được, mồ hôi cơ thể khó khô nên cảm thấy oi bức, ngột ngạt.

Ngoài quan điểm cho rằng khoa học là hệ thống tri thức như đã nêu trên, ở các góc độ khác nhau còn có những quan điểm cho rằng: khoa học là hình thái ý thức xã hội, khoa học là thiết chế xã hội, khoa học là hoạt động xã hội…

Theo Luật khoa học và công nghệ Việt Nam, khoa học là “hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy”.

Công nghệ

Từ “Công nghệ” có nguồn gốc Hy Lạp là “Technologia” hay “Tεχνολογία” –  trong đó “Techne” hay “Tέχνη” là “kỹ năng, kỹ thuật” và “logia”  hay “λογία” có nghĩa là “sự học, sự tìm hiểu, sự nghiên cứu”.  Cho đến nay, có khá nhiều định nghĩa khác nhau về công nghệ nhưng chủ yếu tập trung theo hai quan điểm:

– Công nghệ là “kiến thức” hay còn được gọi là “phần mềm” bao gồm: sự áp dụng khoa học, các giải pháp, phương pháp, quy trình kỹ thuật, bí quyết, cách thức…

– Công nghệ bao gồm “kiến thức” và “thiết bị”: ngoài phần kiến thức còn gọi là “phần mềm” như nêu trên thì công nghệ còn bao gồm phần “thiết bị” hay còn gọi là “phần cứng” như: máy móc, phương tiện, thiết bị, công cụ, tư liệu sản xuất…

Ví dụ: quy trình sinh khối tế bào sâm Ngọc Linh, hệ thống phần mềm quản lý và tạo lập Website đa năng T-Portal, dây chuyền thiết bị sản xuất trà thảo dược Tanaka, máy chụp cộng hưởng từ MRI…

Nhìn chung, công nghệ có thể hiểu bao gồm: kiến thức, thông tin, bí quyết, phương pháp, quy trình (phần mềm) và phương tiện, thiết bị, công cụ, tư liệu sản xuất (phần cứng) cùng với một số tiềm năng khác (tổ chức, pháp chế…) được áp dụng vào môi trường thực tế để tạo ra sản phẩm và dịch vụ.

Theo Luật khoa học và công nghệ Việt Nam, công nghệ là “tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, bí quyết, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm”.

Phân biệt Khoa học và Công nghệ

Nếu như hoạt động khoa học nhằm tìm ra bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng, giải thích thế giới làm thỏa mãn nhu cầu nhận thức của con người thì hoạt động công nghệ nhằm biến tri thức khoa học thành các quy trình, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm thông qua các nguồn lực: kỹ thuật (Technoware), thông tin (Infoware), tổ chức (Orgaware) và con người (Humanware).

Đây là hai hoạt động khác nhau, hiện có một số tác giả đưa ra so sánh phân biệt giữa khoa học và công nghệ, mặc dù chưa thống nhất về nội dung, số lượng các tiêu chí nhưng nhìn chung các quan điểm cơ bản là giống nhau. Sau đây là một số tiêu chí căn bản sử dụng để so sánh phân biệt giữa khoa học và công nghệ:

Bảng so sánh phân biệt giữa Khoa học và Công nghệ

Khoa họcCông nghệ
– Tri thức hiểu– Tri thức làm
– Mang tính xác xuất– Mang tính xác định cụ thể
– Quá trình rủi ro– Quá trình tin cậy
– Luôn đổi mới và không lặp lại– Lặp đi, lặp lại theo chu kỳ
– Sản phẩm bất định, khó xác định trước– Sản phẩm xác định, theo đúng thiết kế ban đầu và phụ thuộc vào các tham số đầu vào
– Sản phẩm mang tính đặc trưng thông tin– Sản phẩm mang tính tin cậy về số lượng và chất lượng
– Tính linh hoạt và sáng tạo cao– Dập khuôn theo 1 chu kỳ đã định sẵn
– Mục đích tự thân– Mục đích xác định nhằm tạo ra hiệu quả công nghệ cao
– Không có giá trị thương mại– Mua bán, trao đổi thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ
– Không được pháp luật bảo hộ– Được pháp luật bảo hộ
– Tính phi kinh tế– Các giải pháp, quy trình công nghệ có ý nghĩa kinh tế, giá trị hiệu quả cao
– Tồn tại vĩnh viễn– Có tính chất nhất thời, sớm bị lạc hậu, tiêu vong theo quá trình phát triển

– Luôn đổi mới, công nghệ mới ra đời, công nghệ cũ tiêu vong.

– Phù hợp với chu kỳ sống của sản phẩm, tồn tại và phát triển qua các giai đoạn: ra đời, tiến triển, làm chủ thị trường, bão hòa, suy giảm và tiêu vong.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Tiến Dũng. Gốc và nghĩa của các từ khoa học, công nghệ và kỹ thuật. Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội. Số 253. 2012.
  2. Vũ Cao Đàm. Phương pháp luận Khoa học và Công nghệ, Giáo trình Sau đại học. Bộ môn Quản lý Khoa học và Công nghệ. Khoa Khoa học Quản lý. Đại học Quốc gia Hà Nội. 2006.
  3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Luật Khoa học và Công nghệ. 2000.

Để lại một bình luận