Ngày 8/3 tới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là TPP-11, sẽ được ký kết tại thành phố Santiago (Chile). Đây là nỗ lực của 11 nền kinh tế do Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới” sau sự rút lui của Hoa Kỳ đầu năm ngoái.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP “cũ” với hy vọng chờ sự quay lại của Mỹ. Tuy nhiên, trong số 8.000 trang tài liệu của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận TPP trước đây. Những sự thay đổi đó bao gồm:
“Đây là hiệp định rất toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực không chỉ về thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác. Về bản chất là cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định đã được ký kết trước đây”, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết.
Mặc dù Mỹ rời khỏi nhưng quy mô của CPTPP vẫn khá lớn và bao hàm một số thị trường quan trọng với Việt Nam như Nhật Bản, Úc, Canada, Mexico … trong khi gánh nặng thực thi các điều khoản đã giảm đáng kể so với trước. Do đó, Việt Nam vẫn sẽ tìm được những nguồn lợi ích tương đối lớn khi tham gia Hiệp định này. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia tham gia đàm phán đều kỳ vọng sự quay lại của Mỹ trong tương lai, nên CPTPP sẽ là bước đầu để thúc đẩy liên kết và hợp tác trong khu vực. Sự kiện CPTPP chuẩn bị được ký kết và các nỗ lực gần đây của Trung Quốc đã tạo những áp lực nhất định đối với Hoa Kỳ, buộc nước này phải bày tỏ thông điệp muốn thương lượng lại về TPP với nhóm 5 nước là Brunei, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản và Việt Nam. Hiện tại, Trung Quốc đang đóng vai trò đầu tầu trong quá trình nhất thể hóa kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ở các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung Quốc – ASEAN hay Hiệp định thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn…