Thứ nhất, với câu hỏi “Vốn góp và vốn điều lệ có liên quan gì đến nhau không? Và sự khác nhau giữa hai khái niệm”. Chúng tôi xin giải đáp cho bạn như sau:
– Theo khoản 29 điều 4 luật doanh nghiệp 2015 thì “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn”.
– Theo khoản 13 điều 4 luật doanh nghiệp 2015 quy định:” Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.
– Mặt khác khoản 21 điều 4 luật này cũng quy định như sau:” Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.
– Vốn góp trong công ty có thể chuyển nhượng. Luật pháp quy định các thủ tục chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH và chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần.
Như vậy có thể hiểu rằng, Vốn điều lệ là số vốn mà thành viên công ty cam kết góp vào công ty và được ghi vào trong Điều lệ của công ty. Vốn góp là thể hiện việc góp vốn vào công ty, số lần góp vốn đó có thể 1 lần hoặc nhiều lần miễn sao là trong thời hạn pháp luật cho phép và đúng như cam kết góp vốn vào công ty và chính là góp vốn điều lệ.
Thứ hai, về thủ tục góp vốn trong công ty bạn cụ thể là công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Để có thể trở thành chủ sở hữu của công ty, các thành viên bắt buộc phải góp vốn, điều này được thể hiện trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cụ thể hơn là giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp và danh sách thành viên. Theo quy định tại điều 26 luật doanh nghiệp 2015 thì Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
– Họ, tên, chữ ký, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ thường trú và các đặc điểm cơ bản khác của thành viên là cá nhân
– Tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức
– Họ, tên, chữ ký, địa chỉ, quốc tịch, địa chỉ thường trú của người đại diện theo ủy quyền hoặc đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức
– Phần vốn góp, giá trị vốn góp, loại tài sản, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn phần vốn góp của từng thành viên.
Về việc thực hiện góp vốn, điều 48 luật này đã quy định khá rõ ràng, bạn có thể đọc để tìm hiểu một cách kĩ lưỡng hơn:
– Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp”
– Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.