Trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam – Văn học dân gian, giáo sư Đinh Gia Khánh đã là người đi tiên phong và sớm xác định được nội hàm thần thoại bằng cách cho rằng thần thoại khác với truyện cổ tích ở những điểm sau đây:
Thời điểm ra đời và tồn tại: “Thần thoại là sáng tác dân gian thời nguyên thuỷ, là đặc sản chủ yếu của thời thị tộc, khi chưa phân chia giai cấp… Truyện cổ tích xuất hiện phần lớn khi công xã thị tộc tan rã và được thay thế bằng gia đình riêng lẻ, khi xã hội có phân chia giai cấp”.
Yếu tố nhân vật: “Trong thần thoại, tuyệt đại đa số các nhân vật là thần”. “Nhân vật chính trong truyện cổ tích là người, lấy nguyên mẫu trong xã hội loài người”
Yếu tố dân chủ: “Thần thoại không tránh khỏi những phần gắn với tôn giáo nguyên thuỷ nhưng trước hết, thần thoại thể hiện khí thế tự do, ý thức dân chủ của loài người khi chưa bị đè nén dưới ách thống trị của giai cấp… Trái lại, truyện cổ tích một mặt phản ánh sự đấu tranh của nhân dân chống giai cấp thống trị nhưng một mặt, vẫn chịu ảnh hưởng ý thức hệ thống trị của thời đại, tức là ý thức hệ của giai cấp thống trị”.
Yếu tố thẩm mỹ: Thần thoại hấp dẫn chúng ta bằng những hình tượng mỹ lệ và táo bạo vì nội dung chất phác nhưng kỳ vĩ của sự tích. truyện cổ tích lôi cuốn chúng ta vào những nỗi niềm vui khổ, vào không khí đấu tranh chống cường quyền của những con người bị áp bức. Hai thể loại, hai tính chất, hai cách tác động đến ý thức thẩm mỹ.
Thực chất, các kết quả của việc nghiên cứu về thần thoại đã chứng minh rằng thần thoại có những đặc điểm cơ bản là khác biệt đối với truyện cổ tích. Thần thoại ra đời từ nhu cầu nhằm giải thích, khám phá và chinh phục thế giới. Thần thoại là lời giải thích của người xưa về thế giới tự nhiên. Từ thế giới quan vạn vật hữu linh, người xưa đã tin vào lời giải thích của chính mình. Như vậy tính chất kỳ vĩ trong thần thoại trước hết chưa phải là hư cấu nghệ thuật. Do trình độ khoa học còn ấu trĩ, người xưa đã mượn tưởng tượng để hình dung hóa các sức mạnh tự nhiên, kết quả là họ đã để lại những sản phẩm có giá trị nghệ thuật và đó là thứ nghệ thuật vô thức, “nghệ thuật không tự giác” (Mác).