Sự khác nhau giữa áo dài và sườn xám

ao dai va suon xam

Trong khi áo sườn xám có xu hướng biến cách phần xẻ tà, độ dài vạt, trang trí nhấn mạnh ở phần viền áo, viền cổ,…thì áo dài lại chú trọng cách điệu phần tà, bảo lưu đường kéo vạt, phần xẻ tà, dài vạt, luôn cố định xẻ đến hông và dài đến gối.

Thật không dễ để chỉ trong một bài viết ngắn có thể nói rõ sự khác biệt của trang phục mỗi nước. Bởi mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có sự đa dạng về loại hình trang phục, chưa kể trang phục từng nước còn có sự thay đổi tùy theo từng thời kỳ, từng địa phương, từng xu hướng thẩm mỹ và thậm chí là tùy vào từng cá nhân.

Bài viết chỉ so sánh những mẫu phục trang mang tính phổ biến, tiêu biểu, không tính đến những bộ trang phục cá biệt, hoặc lấy cảm hứng từ phục trang nước ngoài. Sự so sánh chỉ mang tính chất tương đối, để mọi người tham khảo, chứ không hoàn toàn khẳng định mọi trang phục sườn xám và áo dài đều tồn tại những khác biệt như thế.

Sự khác biệt của áo dài tay chẽn thời Nguyễn và Qipao thời Thanh

sự khác biệt của áo dài
So sánh sự khác biệt giữa phần cổ – cúc – đường kéo vạt của trang phục nguyễn và trang phục nhà Thanh (Ảnh: Lục Bình).

Trước khi nói về sự khác biệt của sườn xám và áo dài cách tân, phải nói đến sự khác biệt của những trang phục tiền thân của chúng: Năm thân Nguyễn và Qipao (kỳ bào) Mãn Thanh. Vốn trải qua quá trình lâu dài được xem là quốc tục dưới 2 triều đại cuối cùng của 2 nước, ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng phong cách thời trang và thẩm mỹ ăn mặc của người dân 2 nước này cho đến thời kỳ hiện tại.

Cụ thể, áo dài tay chẽn thời Nguyễn có thiết kế cổ vuông vắn, thấp 3-5cm, cổ áo trong có thể dài hơn cổ áo ngoài, cúc bằng kim loại, tay áo dài và bó sát cổ tay, vạt  dài trên đầu gối, thường mặc ngoài cùng, ở trong là lớp cổ đứng màu trắng… Trong khi đó, áo kỳ bào thời Thanh lại có cổ dạng cong thuyền hoặc cao ôm kín cổ hoặc không có cổ, cúc dùng vải thắt lại (phổ biến ở tầng lớp bình dân), tay áo dài chớm cổ tay, vạt dài đến cổ chân hoặc chạm đất, khi mặc thường có áo mặc thêm bên ngoài…

Sự khác biệt giữa áo dài cách tân và sườn xám

sự khác biệt áo dài
Khác biệt cấu tạo áo dài năm thân và kì bào dựa theo hai mẫu trang phục tiêu biểu (Ảnh: Lục Bình).

Áo dài vốn được cách điệu từ áo dài năm thân chẽn tay thời Nguyễn, trong khi sườn xám là một dạng trang phục “thoát thai” từ kỳ bào cuối thời Mãn Thanh. Do vậy, không khó hiểu khi áo dài và sườn xám có những con đường phát triển rất riêng biệt.

Những sự khác biệt này có thể bắt nguồn từ sự kế thừa, bảo lưu của trang phục truyền thống trước đó (năm thân chẽn tay thời Nguyễn và kì bào thời Thanh – PV), hoặc trong quá trình phát triển độc lập, có sự giao thoa, học hỏi những trào lưu thời trang từ bên ngoài, và biến đổi theo cách riêng cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội và thị hiếu đương thời.

Ngoài sự khác biệt chi tiết trên hiện vật, thì xu hường thời trang cũng ảnh hưởng không nhỏ đến những thay đổi của áo dài.

Trang phục cách tân là dạng trang phục mang yếu tố thị trường, nên thường đi theo các trào lưu, và luôn thay đổi tùy theo thị hiếu mỗi thời kỳ. Nhưng phải nắm bắt được chi tiết nào nên được cách điệu để đa dạng, phong phú; chi tiết nào nên chú trọng bảo lưu để làm nên bản sắc độc đáo riêng biệt.

Bên cạnh đó, sự khác biệt còn quyết định tư duy của người thiết kế, vừa sáng tạo, vừa giữ được tính truyền thống.

Trong khi áo sườn xám có xu hướng biến cách phần xẻ tà, độ dài vạt, trang trí nhấn mạnh ở phần viền áo, viền cổ, khuy…thì áo dài ngược lại chú trọng cách điệu phần tà, nhưng chú trọng bảo lưu đường kéo vạt, phần xẻ tà, dài vạt, luôn cố định xẻ đến hông và dài đến gối.

Ngoài ra, áo dài tân thời là một hiện tượng thời trang khá đặc thù, do sự đứt gãy văn hóa của người Việt ở nửa sau thế kỷ XX nên đã xuất hiện hai thời kỳ cách tân trang phục, một là dạng cách tân vẫn bảo lưu những đặc điểm trang phục truyền thống từ những năm 30 đến trước 1975; hai là dòng áo dài cách tân hiện đại của VN từ giai đoạn thống nhất đến thời kỳ mở cửa.

Hà Thảo

(Dựa theo Đại Việt Cổ Phong)

Để lại một bình luận