Mới đây, MC Kỳ Duyên có vài nhận xét về sự khác nhau giữa tiệc cưới ở Mỹ và Việt Nam. Cô viết:
Thêm 3 nét khác biệt giữa đám cưới Mỹ và Việt:
– Khi đứng lên phát ngôn chú rể Mỹ thường nói về cô dâu và cảm xúc cho vợ, chú rể Việt Nam thường nói nặng hơn về công ơn sinh thành của cha mẹ
– Khách Việt Nam đi phong bì và thường giá trị nhiều hơn Mỹ đi quà
– Đám cưới Việt Nam nhiều đồ ăn hơn (9, 10 món thay vì Mỹ chỉ có 3). Nói chung là ngon hơn.
Thực tế, đây chỉ là một số khác biệt trong văn hóa tiệc cưới Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung so với tiệc cưới truyền thống Việt Nam. Mỗi nơi đều có đặc trưng riêng, cũng như mỗi nơi đều có những điểm hay, điểm dở. Ngoisao.net sẽ so sánh 10 điều điểm khác nhau cơ bản để cô dâu chú rể hiểu hơn về văn hóa từng nơi, cũng như học hỏi những điều hay cho đám cưới của mình.
1. Thời gian gửi thiệp mời
– Cô dâu chú rể phương Tây gửi thiệp trước vài tháng để đặt lịch hẹn sớm với khách mời, nên dù khách ở xa vẫn có thể thu xếp về dự tiệc cưới.
– Cô dâu chú rể Việt Nam thường chỉ gửi thiệp cưới trước khoảng 2 tuần, thậm chí có người chỉ mời trước vài ngày. Mời khách quá muộn gây bất tiện vì khách không thu xếp được. Ngoài ra nhiều người khó tính không hài lòng vì rằng mời gấp là không tôn trọng khách. Vì vậy uyên ương nên cân nhắc mời cưới từ sớm.
2. Thời gian tổ chức tiệc cưới
– Tiệc cưới phương Tây thường diễn ra vào buổi tối cuối tuần (dao động từ thứ 6 tới chủ nhật).
– Tiệc cưới ở Việt Nam diễn ra cả buổi trưa hoặc buổi tối, có thể diễn ra vào các ngày trong tuần hoặc cuối tuần tùy theo gia đình đã xem ngày từ trước đó.
3. Tính chất tiệc cưới
– Tiệc cưới phương Tây là dịp gia đình, bạn bè của cô dâu chú rể tụ họp, giao lưu và chia sẻ hạnh phúc cùng uyên ương.
– Tiệc cưới Việt Nam còn mang nặng tính hình thức, nhiều ý kiến còn cho rằng đây là dịp để “trả nợ” nhau bằng tiền mừng, quà mừng.
– Cô dâu chú rể là người chịu chi phí cũng như chịu trách nhiệm tổ chức toàn bộ bữa tiệc đãi khách trong đám cưới phương Tây.4. Người tổ chức tiệc cưới
– Ở Việt Nam, đám cưới không chỉ dành cho uyên ương mà còn do bố mẹ hai bên quyết định phần lớn. Phụ huynh thường đứng ra lo liệu chi phí chính và có quyền quyết định về bữa tiệc.
5. Khách mời
– Số lượng khách trong đám cưới phương Tây thường ít, chủ yếu là bạn bè thân thiết của uyên ương cùng người thân trong gia đình.
– Khách mời trong đám cưới Việt Nam tối thiểu là vài trăm người, thậm chí có đám cưới mời hơn 1.000 khách. Bởi cha mẹ uyên ương là người tổ chức chính, nên phụ huynh muốn mời thêm bạn bè, người quen tới dự tiệc của con cái. Có uyên ương mời cả khách xã giao, chỉ giao thiệp quen biết trong công việc hay chỉ gặp mặt 1-2 lần. Đây là điều còn hạn chế trong đám cưới ở Việt Nam. Điều này cũng làm tăng chi phí tổ chức lên đáng kể. Cô dâu chú rể nên thuyết phục cha mẹ mời ít để đám cưới nhỏ gọn, thân mật. Gia đình chỉ nên mời những người họ hàng, bạn bè thân thiết, khách mời cả hai gia đình nên dưới 300 khách.
6. Thời gian khách tới dự tiệc
– Trong đám cưới phương Tây, khách thường tới từ sớm để dự tiệc. Mỗi khách sẽ được xếp chỗ từ trước và vị trí ngồi sẽ được thông báo trong thiệp.
– Ở Việt Nam, việc khách đến muộn hơn giờ ghi trong thiệp cưới là điều phổ biến. Đây cũng là điều khiến nhiều uyên ương “đau đầu” vì khó sắp xếp chỗ ngồi cũng như tính toán số khách mời.
7. Quà mừng
– Khách mời thường tặng quà cho cô dâu chú rể phương Tây. Bởi khách là những người thân thiết nên có thể hỏi uyên ương trước về quà tặng hoặc họ tự tin chọn quà vừa ý với cặp đôi.
– Khách mời trong đám cưới Việt Nam thường mừng bằng tiền. Vì nhiều khách không thân thiết, không hiểu rõ sở thích uyên ương nên họ hạn chế chọn quà mà thay bằng tiền mừng để cặp đôi tự lựa chọn quà hoặc trang trải cho chi phí đám cưới.
– Đám cưới phương Tây và đám cưới Việt Nam đều có nghi lễ trao nhẫn, cắt bánh cưới, cùng uống rượu mừng.8. Nghi lễ trong tiệc
– Đám cưới phương Tây có một phần không thể thiếu là cô dâu chú rể phát biểu. Cặp đôi thường chia sẻ về câu chuyện tình yêu của hai người và phát biểu những điều về kỷ niệm, về đám cưới.
– Hầu hết uyên ương Việt Nam không phát biểu trong tiệc cưới mà dành phần này cho bố mẹ. Cha cô dâu hoặc cha chú rể sẽ phát biểu cảm ơn khách và mời mọi người dùng tiệc. Gia đình cũng sẽ ít đề cập đến tình yêu của cặp đôi.
9. Ngân sách cho tiệc cưới
– Đám cưới phương Tây thường tiêu tốn nhiều tiền bởi không chỉ chú trọng vào thực đơn, địa điểm cưới mà uyên ương cũng muốn trang trí tiệc lộng lẫy hay thuê wedding planner để lo liệu tiệc chu toàn. Nhiều người còn tổ chức cưới kết hợp du lịch, mời khách tới những thành phố nổi tiếng để dự tiệc.
– Đám cưới truyền thống ở Việt Nam đơn giản hơn nên ngân sách chi phụ thuộc vào khả năng kinh tế của gia đình. Ngoài ra không phải uyên ương nào cũng thuê người tổ chức cưới chuyên nghiệp hay trang trí tiệc cưới cầu kỳ nên chi phí này được cắt giảm.
10. Thực đơn trong tiệc
– Tiệc cưới phương Tây thường chia thành 3 phần, gồm khai vị, món chính và tráng miệng. Số lượng món ăn vì thế cũng không nhiều. Một số đám cưới tổ chức tiệc cưới buffet.
– Tiệc cưới Việt Nam thường có ít nhất 8-12 món với niều món ăn đặc trưng trong các bữa cổ truyền thống.
Hiện nay, một số uyên ương ở TP HCM đã có những cách tân, học hỏi phong cách cưới phương Tây nên đám cưới dần hiện đại, chương trình cưới thú vị hơn. Điều quan trọng nhất mà cô dâu chú rể nên thuyết phục gia đình ủng hộ và hiểu rằng uyên ương là nhân vật chính, còn tiệc cưới là ngày vui của cả hai. Vậy nên cặp đôi chỉ nên mời khách thân thiết, số lượng hạn chế, vừa để giảm chi phí, vừa khiến không khí cưới thân mật.
Theo: ngoisao.net