Trong các mô hình liên kết và cộng đồng trên thế giới, ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) thường được so sánh nhất với EU (Liên minh châu Âu). Quả vậy, ASEAN cũng thường lấy EU làm tấm gương cho sự liên kết thành công và học tập nhiều kinh nghiệm từ mô hình liên kết của EU.
Trong các mô hình liên kết và cộng đồng trên thế giới, ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) thường được so sánh nhất với EU (Liên minh châu Âu). Quả vậy, ASEAN cũng thường lấy EU làm tấm gương cho sự liên kết thành công và học tập nhiều kinh nghiệm từ mô hình liên kết của EU. Tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều sự khác biệt giữa đặc điểm của liên kết châu Á và liên kết châu Âu, khiến cho mô hình liên kết EU chưa thể áp dụng được đối với ASEAN hiện nay.
Thứ nhất, bối cảnh lịch sử ra đời của liên minh Châu Âu khác so với bối cảnh liên kết ASEAN thời “hậu chiến tranh lạnh” sau khi ASEAN mở rộng. Sau thế chiến thứ hai (năm 1945), Tây Âu đổ nát, và nước gây ra cuộc chiến này lại là quốc gia lớn nhất nằm ngay giữa châu Âu (nước Đức). Vì vậy, nguyện vọng được sống trong nền hòa bình vĩnh viễn để cùng nhau phát triển kinh tế và hóa giải mối hận thù truyền thống giữa hai quốc gia lớn nhất châu Âu nằm cận kề nhau: Đức – Pháp, xóa bỏ tận gốc rễ nguy cơ chiến tranh, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đời vào năm 1951 của Cộng đồng Than, Thép châu Âu (ECSC), tiền thân của Liên minh châu Âu (EU). Điều đó cũng phù hợp với khát vọng hòa bình, hợp tác chính trị và kinh tế của các nước châu Âu láng giềng khác. Châu Âu những năm 50 có quyết tâm chính trị rất cao, nhất là liên kết mạnh mẽ về an ninh để khỏi lặp lại thảm cảnh của chiến tranh thế giói thứ hai. Quyết tâm đó khiến việc thiết lập một cơ chế siêu quốc gia dễ dàng hơn nhiều so với bối cảnh của ASEAN đầu những năm 90 khi mọi quan hệ quốc tế đều đang mở bung ra và xu thế chủ đạo của mọi quốc gia là đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ để không bị lệ thuộc vào một mối quan hệ nào.
Thời gian ra đời của EU và ASEAN tuy cách nhau gần 2 thập kỷ, nhưng cả hai tổ chức này đều chịu ảnh hưởng và sự chi phối mạnh mẽ của trật tự thế giới hai cực dưới thời Chiến tranh lạnh. Điểm khác biệt sâu xa dẫn đến sự ra đời của EU chính là sự chín muồi của thời điểm biến ý tưởng và nguyện vọng thống nhất châu Âu thành hiện thực. Chính vì vậy mà trong hơn nửa thế kỷ tồn tại, EU luôn bộc lộ xu hướng phát triển chung là ngày càng thu hẹp tính chất là một tập hợp các quốc gia dân tộc có chủ quyền. Có lẽ đây là điểm khác biệt cơ bản nhất quy định mọi sự khác nhau giữa mô hình EU và ASEAN
Thứ hai, trong môi trường toàn cầu hóa phát triển mạnh đầu những năm 90, khi quá trình liên kết ASEAN bắt đầu, ASEAN cũng không thể chọn con đường hướng nội mạnh mẽ như các nước EU lúc khởi đầu quá trình liên kết và xây dựng thị trường chung châu Âu, do đa số các nền kinh tế ASEAN lúc đó đều phải hướng ngoại mạnh để phát triển. Với đặc thù “hướng ngoại” này, ASEAN không thể có động lực chính trị đủ mạnh để tạo ra sự liên kết chính trị mạnh như EU vào những năm 50-60.
Thứ ba, ở Đông Nam Á không có các cường quốc lớn như Pháp và Đức ở châu Âu để làm trụ cột cho các liên kết. Các nước Đông Nam Á đều là những nước vừa và nhỏ, hoặc trình độ phát triển kinh tế còn thấp, hoặc quy mô kinh tế quá nhỏ, không thể đóng vai trò trụ cột cho liên kết, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế.
Thứ tư, các nước ASEAN có trình độ phát triển khác nhau, các chính sách được hình thành xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như thể chế chính trị, hoàn cảnh lịch sử, yếu tố văn hóa…. Trình độ phát triển của các nước Đông Nam Á quá chênh lệch, khoảng cách giữa nước giàu nhất và nghèo nhất ASEAN (các nước Singapore và Brunei có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm các nước hàng đầu thế giới, trong khi những nước như Lào, Myanma có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới), trong khi ở EU không có quá nhiều sự chênh lệch trong trình độ phát triển giữa các nước.
Thứ năm, các quốc gia Đông Nam Á ngoại trừ Thái Lan đều mới giành độc lập sau thế chiến thứ 2, về cơ bản là các quốc gia non trẻ, đang trong quá trình dựng nước và đặt nặng vấn đề chủ quyền quốc gia. Với các quốc gia này, các chuẩn mực quan hệ quốc tế cơ bản vẫn là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau v.v… trong khi các nước Châu Âu đã có hơn 400 năm áp dụng các chuẩn mực đó và đã sẵn sàng hơn trong việc xây dựng các chuẩn mực mới.
Thứ sáu, trong khi các nước EU tương đối đồng nhất và gần gũi về sắc tộc, về văn hóa, tôn giáo, thể chế chính trị và mô hình phát triển kinh tế, ASEAN lại có nhiều khác biệt rất sâu sắc về các nền tảng giá trị và chuẩn mực đó, khiến cho việc tìm ra các chuẩn mực giá trị chung để liên kết sâu hơn trong ASEAN còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc điểm chính của ASEAN là một tổ chức liên chính phủ, không phải là một tổ chức siêu quốc gia có quyền lực bao trùm lên chủ quyền của các nước thành viên. Mọi quyết định của ASEAN đều có sự tham gia đóng góp của các nước thành viên. Đặc điểm này làm ASEAN khác nhiều tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), hay Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), là các tổ chức khu vực vừa có thành tố hợp tác liên chính phủ, vừa tạo ra các thể chế siêu quốc gia có thể ra phán quyết buộc các nước thành viên phải tuân thủ.
Một đặc điểm nổi trội nữa của ASEAN là sự đa dạng về mọi mặt của các nước thành viên. Các nước thành viên ASEAN rất khác nhau về lịch sử, nguồn gốc dân tộc và sắc tộc, về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, thể chế chính trị và trình độ phát triển kinh tế. Các nước ASEAN có sự ưu tiên an ninh và kinh tế khác nhau. Đặc điểm này tạo nên sự phong phú, đa dạng của Cộng đồng ASEAN, song cũng gây không ít khó khăn trong quá trình hợp tác giữa các nước ASEAN với nhau. So với EU, tuy các quốc gia châu Âu cũng có bản sắc phong phú và đa dạng về nhiều mặt, song lại khá gần gũi về mặt sắc tộc, lịch sử, tôn giáo và văn hóa, có thể chế chính trị cơ bản giống nhau và không chênh lênh nhau nhiều về trình độ phát triển. Các nước EU cũng cơ bản chia sẻ các giá trị, tầm nhìn và định hướng phát triển cũng như về các thách thức chung của khu vực.
Bên cạnh đó, cần chỉ ra rằng chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á, mà hợp tác ASEAN là một biểu hiện, cũng còn khá non trẻ. Trong khi sự phát triển và suy tàn của các đế chế ở châu Âu với tầm ảnh hưởng bao trùm rộng lớn đã góp phần tạo điều kiện cho các dân tộc ở châu Âu có sự giao thoa, hình thành bản sắc riêng của châu lục thì tại Đông Nam Á, sự chia rẽ về mặt địa lý, ảnh hưởng của các nước lớn trong khu vực, của các đế quốc trong giai đoạn thuộc địa và ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh, khiến các dân tộc Đông Nam Á phần nào bị chia rẽ, ít giao lưu và hiểu biết về nhau hơn, đặc biệt so với EU.