Sự khác nhau và giống nhau giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)

imf 1855

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập cùng nhau tại Bretton Woods, New Hampshire vào tháng 07/1944. Cả hai được thành lập để hỗ trợ nền kinh tế thế giới mặc dù mỗi tổ chức đều có những vai trò khác nhau. Vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là bảo vệ hệ thống tiền tệ; trong khi đó, Ngân hàng Thế giới thực hiện vai trò phát triển kinh tế. Cả hai tổ chức đều có trụ sở tại Washington, D.C.

Mục đích

IMF giám sát chính sách kinh tế của các thành viên cũng như sự trao đổi tiền tệ tự do trong hệ thống tỷ giá cố định. Để duy trì trật tự tài chính này, IMF cũng hoạt động như một nhà cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các thành viên gặp khó khăn. Đổi lại, các thành viên sẽ nỗ lực cải cách chính sách kinh tế của họ.

Ngân hàng Thế giới hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia nghèo bằng cách tài trợ cho các dự án cụ thể nhằm giúp nâng cao năng suất. Ngân hàng Thế giới bao gồm hai tổ chức: Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). IBRD cho các quốc gia đang phát triển vay với lãi suất ưu đãi, trong khi đó IDA chỉ cho các nước nghèo nhất vay và không tính lãi suất.

Nhân viên

Nhân viên của IMF khoảng 2.400 người, trong số đó khoảng một nửa là các nhà kinh tế. Hầu hết các nhân viên của IMF làm việc ở Washington, DC, những nhân viên khác hoạt động tại các nước thành viên trên toàn thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới có khoảng 10.000 nhân viên tại hơn 160 quốc gia trên thế giới. Nhân viên của Ngân hàng Thế Giới đa dạng hơn IMF, họ là các các nhà kinh tế, nhà khoa học, các nhà phân tích, các chuyên gia công nghệ thông tin và kỹ sư. Hai phần ba nhân viên của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Washington, DC, trong khi các nhân viên còn lại hoạt động trên toàn thế giới.

Sự tương tác

Mặc dù IMF là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc nhưng nó cũng có điều lệ, cơ cấu và những thỏa thuận tài chính riêng. IMF không chỉ làm việc với 187 thành viên của mình mà còn hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Để trở thành thành viên của IMF, các quốc gia phải làm thủ tục xin phép và được chấp nhận bởi các thành viên khác.

Ngân hàng Thế giới cũng có 187 thành viên. Các thành viên này chi phối Ngân hàng Thế giới thông qua Hội đồng Thống đốc. Ngoài việc hợp tác với các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới còn làm việc với các tổ chức quốc tế khác nhau cũng như với cơ quan chuyên môn và học thuật.

Quỹ tài trợ

IMF xây dựng quỹ tài chính của mình thông qua phí thành viên, được gọi là hạn ngạch. Mỗi quốc gia thành viên trả tiền cho một hạn ngạch dựa trên quy mô kinh tế của quốc gia đó, vì vậy các nền kinh tế lớn phải trả nhiều tiền hơn. Ngân hàng Thế giới xây dựng quỹ tài chính của mình thông qua vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu AAA cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, WB còn nhận được các khoản tiền từ các nhà tài trợ.

 

Trả lời