Trong khi VFF dù là một tổ chức xã hội nghề nghiệp và theo luật của FIFA thì không chịu tác động của nhà nước nhưng với đặc thù ở Việt Nam thì cơ quan này cơ bản là “cánh tay nối dài” của tổng cục Thể dục thể thao trong việc quản lý môn bóng đá. Do vậy, mục đích hoạt động của VFF mang nhiều hơi hướng chính trị. Vấn đề tài chính, lợi nhuận trong quá trình hoạt động cũng quan trọng nhưng không phải là yếu tố hàng đầu.
Chính vì thế, VFF điều hành V-League chỉ cốt sao cho mỗi mùa giải khởi đầu, diễn ra và kết thúc một cách êm đẹp, các CLB có sân chơi còn người dân thì có một món ăn tinh thần. Thế mới có chuyện, báo cáo tổng kết mùa giải nào cũng mang tính chất “về đích an toàn”.

Bóng đá chuyên nghiệp luôn coi trọng tiền bạc?
VFF đề cao một phạm trù, thì VPF đề cao phạm trù khác. Rất đơn giản, khi tồn tại khác biệt thì phải nảy sinh “đấu tranh”. “Phần thắng” trong việc giành quyền điều hành giải VĐQG thuộc về VPF âu cũng là điều hợp lý. Bởi, bóng đá hiện đại và chuyên nghiệp cần phải đề cao lợi nhuận, cụ thể là ở những giải đấu cấp quốc gia vốn ngốn rất nhiều tiền bạc trong việc tổ chức cũng như duy trì sự hoạt động của các CLB.
Trong khi đó, với mục đích khó thay đổi được của mình thì VFF sẽ thích hợp hơn với các nhiệm vụ mang tính chất “phi lợi nhuận” như xây dựng, vun đắp cho các đội tuyển quốc gia, tổ chức các giải trẻ…
Thế nên, “cuộc chiến” giữa VFF và VPF cùng những “tàn dư” sau này của nó (cuộc chiến truyền hình là một ví dụ) dù có khốc liệt thế nào cũng nên được nhìn nhận là bước phát triển tất yếu của bóng đá chuyên nghiệp.