Tóm tắt bài viết:
– Hàng cúc trên áo của phụ nữ thường được thiết kế bên tay trái, còn trên áo của đàn ông là bên phải.
– Những người phụ nữ trước đây thường có người hầu giúp đỡ việc mặc quần áo, nên hàng cúc áo được thiết kế như vậy giúp người hầu thuận tiện hơn.
– Ý kiến khác cho rằng, hàng cúc được thiết kế như vậy để phân biệt giữa áo của nam nữ. Và còn một số giả thuyết khác nữa.
Nếu bạn không để ý, hay chưa bao giờ đi mua áo cho bạn gái, có lẽ bạn sẽ không biết một sự thật khá thú vị. Đó là những chiếc áo sơ mi của nữ luôn có hàng cúc nằm bên tay trái, trong khi đó áo sơ mi của nam lại có hàng cúc nằm bên phải. Ngay cả những nhà thiết kế hàng đầu thế giới cũng không thể giải thích được điều này, đơn giản là thiết kế hàng cúc như vậy đã có từ rất lâu trước đây và họ chỉ tiếp tục làm theo.
Một số người đã cố gắng đưa ra các giải thuyết nhằm giải thích điều này, trong số đó có một giả thuyết có vẻ hợp lý và thuyết phục được nhiều người nhất. Đó là vào thời xa xưa, những người phụ nữ quý tộc thường ăn mặc rất cầu kỳ với nhiều lớp áo khác nhau. Do đó họ thường phải nhờ đến những người hầu giúp đỡ trong việc mặc quần áo. Cũng do đó mà những chiếc áo của các nữ quý tộc được thiết kế với hàng cúc bên trái, để người đứng đối diện có thể dễ dàng cài cúc (đa số với những người thuận tay phải). Trong khi đó những người đàn ông thường tự mặc quần áo, nên những chiếc áo của họ được thiết kế hàng khuy bên phải để thuận tay.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người phụ nữ đều có người hầu giúp đỡ việc mặc quần áo, những người phụ nữ ở tầng lớp dưới thì sao? Có những ý kiến cho rằng những người quý tộc thường tạo nên những xu hướng hay trào lưu trong xã hội của họ, và do đó những người phụ nữ tầng lớp dưới mặc dù không có người giúp đỡ việc mặc quần áo, nhưng họ vẫn muốn chạy theo “mốt” với những chiếc áo có hàng cúc nằm bên trái.
Mặc dù vậy, giả thuyết trên vẫn còn những thiếu sót. Những người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu cũng có người hầu giúp đỡ việc mặc quần áo, nhưng những chiếc áo của họ vẫn có hàng khuy ở bên phải chứ không giống áo của phụ nữ.
Một giả thuyết khác cho rằng, trước đây những người phụ nữ cho con bú thường bồng con bằng tay phải. Do đó mà họ phải dùng tay trái để cởi cúc áo. Với thiết kế hàng cúc nằm bên trái có thể giúp họ dễ dàng cởi cúc áo bằng một tay. Bên cạnh đó, vạt áo bên phải của phụ nữ không có hàng cúc cũng giúp đứa bé không bị vướng víu khi bú.
Ngoài ra, cũng có người cho rằng khi con người có thể sản xuất hàng loạt quần áo bằng máy khâu, những mẫu sản phẩm cho ra là rất giống nhau. Nên người ta phải quyết định rằng cần có sự phân biệt rõ ràng giữa trang phục của nam và nữ trong cách bố trí hàng cúc.
Lịch sử vào những năm 1840 – 1850 cho thấy có tỷ lệ 50/50 đối với việc cúc của váy áo phụ nữ ở bên phải hay trái. Đến những năm 1860, quần áo có hàng cúc bên trái đã rất thịnh hành. Điều này có thể do sự phổ biến của máy khâu vào lúc đó. Quần áo trở nên rẻ hơn và người bán lựa chọn cách bắt chước tầng lớp thượng lưu. Vì thế, việc quần áo của nam giới và phụ nữ có bố trí hàng cúc ở hai bên trái nhau trở nên phổ biến từ đó.
Tóm lại vẫn chưa có một lời giải thích nào thỏa đáng và được minh chứng cụ thể về vấn đề này. Có thể nó chỉ là một tiêu chuẩn hoặc thói quen của các nhà thiết kế và may quần áo từ vài thế kỷ trước đây. Và nó vẫn được giữ cho đến nay đơn giản vì không có ai phàn nàn về nó, hay thậm chí không phải ai cũng biết sự khác biệt nhỏ bé này. Tôi dám cá rằng cũng có khá nhiều bạn đang đọc bài viết không biết đến sự thật thú vị này, và vừa nhìn xuống hàng cúc trên áo sơ mi của mình để xem có đúng là nó nằm bên phải hay không.
Tham khảo: livescience, Today I found out